Bà xã đi làm sớm nên hơn 4 năm nay, kể từ khi con gái bắt đầu đến trường mẫu giáo, sáng nào anh Khang cũng phải thay vợ lo cho con. Dù tối có chén chú chén anh hay làm việc đến nửa đêm thì cứ 5h sáng, ông bố trẻ đã phải thức dậy.
"Tôi thường lay con bằng cách vặn đèn sáng hơn, cũng có khi bật tivi để bé nghe âm thanh mà tỉnh dậy. Việc này mất khoảng 10 phút. Trong thời gian này, tôi tranh thủ làm vệ sinh cá nhân cho mình", anh Khang nói.
Khi cô bé thức giấc và tự đánh răng rửa mặt, cũng là lúc bố chuẩn bị quần áo cho mình và con. Công việc diễn ra như đã định sẵn. Con gái vừa vệ sinh và mặc quần áo xong thì bố cũng đã tươm tất trong trang phục đi làm. Đồng hồ chỉ 6h là lúc bố bắt đầu chải tóc rồi cột hoặc thắt bím cho con.
"Lúc đầu tôi làm mãi không được nên cứ để tóc con xõa ra. Sau cô giáo nhắc nhở bé bị nóng nên tôi phải tập. Giờ thì lưu loát rồi. Có thể không đẹp nhưng trông cũng tàm tạm", ông bố cười nói.
Đàn ông cùng vợ chăm con, làm việc nhà sẽ giúp gia đình hạnh phúc hơn. Ảnh: nydailynews.com. |
6h30 hai bố con anh Khang ra khỏi nhà, đoạn đường từ nhà đến trường mất khoảng 25 phút đi xe máy. Có hôm anh chuẩn bị sẵn trứng chiên, mì tôm cho con, cũng có hôm ăn sáng bên ngoài. Trên đường đi hai bố con thảo luận món ăn sáng.
"Ăn trong hàng quán thì đã có chỗ ngồi, nhưng hôm nào con thích ăn xôi hoặc các hàng rong khác, tôi phải chọn khoảng sân nhà thờ ở cạnh trường làm nơi đứng cho con ăn. Việc làm này chỉ được phép gói gọn trong 15 phút vì chậm nhất 7h20 con phải vào trường nên tôi thường đút con ăn luôn cho nhanh", anh Khang kể.
Ông bố ngoài 30 tuổi cũng cho biết, do thời gian ít nên trong lúc đưa đón con đi học, anh cũng tranh thủ trò chuyện với con về chuyện học hành. Có khi là hỏi con về bài học, chỗ nào không hiểu giảng luôn, cũng có khi dạy bé bằng cách kể những câu chuyện thời niên thiếu của mình.
"Con gái càng lớn tôi càng khó chăm sóc gần gũi, nhưng nhà chỉ có ba người mà mẹ bé thì bận nên tôi cứ phải làm thay", ông bố nói.
Anh Đại - trọ ở Mỹ Đình, Hà Nội, mỗi sáng đều phải "quàng chân lên cổ" vừa lo cho hai con, vừa lo cho bản thân mình.
"Vợ tôi là y tá thường xuyên trực đêm, hay phải đi làm sớm, trong khi tôi là viên chức nhà nước có giờ giấc ổn định. Thành thử từ khi bà ngoại về quê, tôi gần như phải làm hết tất cả việc nhà, chăm con trừ khoản đi chợ vì tôi không thạo lắm", ông bố 36 cười.
Con gái lớn học lớp 2, cậu út bước vào mẫu giáo. Mỗi sáng, anh phải mất cả tiếng gọi con, vệ sinh cho chúng, rồi cho ăn sáng và đi học. Anh Đại vẫn không thể hiểu vợ anh làm cách nào có thể suôn sẻ mọi việc mà anh lại quay cuồng đến cả tiếng. "Những ngày đầu mới làm quen với việc lắm lúc tôi bị stress nặng vì cứ phải 'quẩn quanh mất việc cỏn con khó nhằn ấy", anh chia sẻ.
"Khó nhất là học đóng bỉm cho con, dỗ con ăn, gọi dậy đi học khi chúng còn đói ngủ. Khó nhất là bắt con đi ngủ khi chúng vẫn đòi chơi...", anh kể ra một tràng dài những điều "khó nhất". Để học đóng bỉm, ông bố này phải lên mạng xem cách hướng dẫn. Khi con ăn phải kè kè chiếc roi bên cạnh, rồi ngay cả khi bắt con ngủ, anh phải tập kể chuyện, tập hát ru.
"Trời! Ai có thể tin được tôi phải mua sách về học thuộc những mẩu chuyện, dùng cái giọng ồm ồm của mình kể chuyện mà như quát, bàn tay thô ráp vuốt tóc con, vỗ về con ngượng ngùng. Chúng nó cười chán với 'ông bố hề' rồi cũng tha cho tôi đi ngủ", anh ngượng nghịu.
Anh Đại khẳng định quãng thời gian hai năm chăm con của mình đủ để viết thành sách với những tình huống dở khóc dở cười. Có lần anh vừa đóng bỉm cho con, vừa nghêu ngao hát thì bị con tè lên mặt. Có lần vì mải lo cho con mà anh quên vệ sinh cá nhân hay đi giày không tất.
"Đó chỉ là chuyện của năm ngoái, giờ các con tôi thân bố lắm chúng chẳng nhõng nhẽo nhiều. Mỗi sáng ba bố con đua với nhau làm vệ sinh, vừa đi học vừa kể chuyện hay lắm. Tôi cũng quen hết tất cả mọi việc nên làm một tí là xong. Vợ tôi đi làm về là chỉ việc nấu cơm, dọn nhà, thời gian còn lại cô ấy cùng tôi dạy con học", ông bố hai con nói.
Cái "máu" quen chăm con từ nhỏ đã ăn sâu vào anh Thuận (Thái Bình), đến nỗi giờ con đã sang tuổi dậy thì, anh vẫn không quên lo cho con từ những điều nhỏ nhặt nhất.
"Mấy hôm nay có không khí lạnh về, tôi thấy vài cô bé đi bốt rất đẹp, thế là tranh thủ thời gian đi làm về tôi lượn mua cho con gái một đôi, cháu thích lắm", anh cho biết. Từ nhỏ anh Thuận đã thân với con. Nhà có hai con gái, hầu như quần áo, thuốc thang cho con đều anh mua hết. Con gái lớn tóc mỏng nên anh cứ phải mua dầu dược liệu về gội cho con. Con thứ hai bị xoang, sức lại yếu nên hễ thời tiết thay đổi anh phải vội vàng mua thuốc, bắt con mặc quần áo nhiều hơn.
"Con gái đang ở tuổi lớn mà vợ tôi chẳng biết tâm lý gì. Cháu nó gội đầu bị rụng tóc nhiều rồi hờn dỗi khóc. Vợ đã không dỗ con còn mắng nó. Tôi phải nhẹ nhàng quan tâm cháu", anh Thuận cho biết.
Theo chuyên gia tâm lý Trung Kiên - Tổng đài 1088 chuyện người đàn ông thay vợ chăm con, làm việc nhà ở thời điểm hiện nay không phải là hiếm.
"Quan niệm xã hội đã dần thay đổi, người phụ nữ có quyền được làm việc ngoài xã hội bình đẳng như đàn ông. Do tính chất công việc người phụ nữ bận rộn, ít có thời gian chăm con thì người chồng làm việc đó là hoàn toàn bình thường", chuyên gia tâm lý 1088 nói.
Một khi người đàn ông làm quen, họ sẽ thấy thích thú, xem việc chăm sóc cho con như một niềm hạnh phúc. Với một số người đàn ông không đủ bản lĩnh thì anh ta rất dễ bị đả kích đàn ông làm việc nhà là nhu nhược, mất vị thế.
"Trong đời sống hiện đại, cả hai vợ chồng đều có thời gian làm việc công sở như nhau thì nên có sự thỏa thuận, phân chia việc nhà. Người đàn ông tham gia vào công việc gia đình sẽ khiến đời sống vợ chồng hạnh phúc, bền chặt hơn. Tuy nhiên, để có sự bình đẳng, người đàn ông cũng không nên làm toàn bộ việc nhà tránh bị vợ ỷ lại", chuyên gia tâm lý Trung Kiên bày tỏ quan điểm.
Trung Hào - Phan Dương