“Anh sẽ nghĩ cho con một cái tên thật ý nghĩa, vì em đã tặng con món quà là cuộc sống thì anh cũng phải trao gì đó nhân ngày đầu gặp mặt con chứ! Còn ở nhà cứ gọi là Ka nhé”… | |
Ngày mới cưới, họ đã háo hức tính thế, nhưng mãi mà Ka không đến dù một năm sau họ cùng nhau đi khám. Bác sỹ không tìm được nguyên nhân, song anh vẫn nắm tay cô, lạc quan: “Chắc Ka nhà mình còn mải chơi, rồi nó sẽ về”.
Cô hiểu những nỗi buồn trong anh, cô biết anh rất thích trẻ con. Anh bế ẵm, chơi với đám cháu cả ngày không chán. Anh quan tâm và luôn muốn giúp đỡ các bà bầu. Những sách về chăm sóc bà mẹ mang thai, nuôi con nhỏ, anh đọc rất chăm chú để còn áp dụng. Anh hay nhắc nhở các cô đồng nghiệp có chửa đừng ăn và nên ăn những thứ gì. Anh càu nhàu mỗi khi có cô nào với cao hay bê nặng: “Cần gì bảo anh hay ai lấy cho, em đừng làm thế!”. Nghe mọi người khen và kể lại, cô thấy thắt ruột vì thương anh, thương cả thân mình. Niềm khát khao vẫn ở xa quá!
Cuộc sống của họ bình lặng trôi cho đến ngày nọ, bạn anh chơi chứng khoán, tưởng dễ ăn liền gán sổ đỏ, vay nợ để đầu tư, sau đúng một tháng chứng khoán chạm đáy rồi “thủng sàn”. Anh bỗng chốc trở thành “chúa Chổm”, thất thểu đến gõ cửa nhà bạn bè vay mỗi người một ít. Cô ngần ngừ không muốn giao số tiền hai vợ chồng dành dụm được, bởi cô đã tính đến nước phải đi thụ tinh nhân tạo để có con. Song chồng cô thì nghĩ khác nên nhăn nhó trách vợ không hiểu, hẹp hòi vậy thì sau ai giúp mình.
Cô ấm ức, lủi thủi đến cơ quan làm việc. Lại đúng hôm sếp khó chịu trong người, cô bị gọi lên khiển trách vì một lỗi nhỏ: “Không làm được thì nói để tôi giao người khác”. Lòng cô rơi bẫng xuống vì thất vọng, cảm thấy mình là đứa chẳng làm được trò trống gì, cô chạy vào nhà vệ sinh, nước mắt cứ thế trào ra, không kìm giữ nổi.
Tâm trạng đang rối thì trên đường về cô nhận được điện thoại của mẹ báo, bác ruột hiện đang cấp cứu trong bệnh viện, cô ở gần đó vào thăm bác xem sao. Tin ấy khiến cô càng thấy buồn và bế tắc, số phận con người sao mà yếu đuối, khổ sở quá...
Tất cả dường như đều chống lại sự sống mong manh này, vậy thì sống làm gì? Cô thấy mình bất lực, vô dụng trong mọi việc. Chẳng phải tự nhiên mà ông trời đối xử với cô tệ đến thế, là do cô không xứng đáng có được cuộc sống suôn sẻ đó mà! Một kẻ chẳng làm gì được cho đời thì hơn hết nên biến đi cho rảnh nợ!
Về đến nhà cô viết nhật ký, như một bức thư tuyệt mệnh. Cô xin lỗi vì đã không cùng anh đi tiếp con đường đã chọn, chẳng thể cùng anh sinh những đứa con ngoan, xin lỗi bố mẹ vì đã phụ công ơn... Cô muốn kết thúc bể khổ.
Sau bữa tối cô nói đi ra ngoài có việc. Anh lo lắng dắt xe ra cổng cho cô, dặn nhớ về sớm. Cô vào bệnh viện thăm bác, được nửa tiếng thì thấy chồng gọi điện, đang xúc động khi thấy bác rất yếu nên cô không nghe, anh nhắn liền hai tin: “Vợ ơi, em đang ở đâu?”, “Em ơi!”, cô thấy nó tựa tiếng vang của sự tuyệt vọng vì đoán anh đã lục tủ của cô và tìm được cuốn nhật ký. Cô vẫn mặc kệ, chào bác ra về. Cô tiến bước đến các hiệu thuốc để mua từng ít một thuốc ngủ. Điện thoại lại rung lên báo tin nhắn, giây phút ấy cô vô thức mở máy ra đọc, và như không tin vào dòng chữ đang nhảy nhót trước đôi mắt ướt nước của mình: “Anh thấy que thử thai có hai vạch rồi, sao không báo cho anh vui. Vẫn giận à? Em khiến anh lo đấy, về nhà đi!”.
Cô ngơ ngác, chiều qua thử chỉ thấy có một vạch thôi mà. Cô hớt hải phóng về, thấy tủ vẫn khóa. Trong lúc anh vui sướng ôm cô thì cô nhìn chiếc que nhỏ bé, kỳ diệu ấy và bỗng chảy nước mắt cười, rồi nhủ thầm: “Chính con mách bố phải không Ka?”.
TSL |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|