Thấy vợ mang đồ về, Vinh mở ra xem, càu nhàu: “Nấu canh cá mà em không mua thì là à, sao cà chua nẫu thế này? Thôi em làm cá đi, anh ốm cũng đành ra chợ vậy”. | |
Thủy, vợ Vinh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vốn không quá vụng về. Hồi con gái và cả sau khi lấy chồng, chị vẫn đảm nhiệm việc chợ búa bếp núc, tuy không khéo léo nhưng chẳng đến nỗi tệ. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi anh Vinh làm quản lý ở một khách sạn, chơi thân với bếp trưởng ở đó rồi lân la học các món ăn. Về trổ tài cho cả nhà, ai cũng khen nức nở. Sau đó, tuy không làm khách sạn nữa nhưng anh ngày càng thích nấu nướng và luôn tìm hiểu, học hỏi về lĩnh vực này. Và khi chị sinh con, rồi đi làm trở lại, bận bịu tối mắt, anh xung phong phần chợ búa cơm nước. Lần này vì chồng ốm nên Thủy mới phải đi mua thức ăn...
Đã quen với Vinh, các bà các cô bán hàng không hy vọng “qua mặt” được anh. Khác với mấy bà nội trợ kỹ tính cứ ngắm qua ngắm lại, nâng lên đặt xuống trước khi mua, anh chỉ nhìn qua là quyết định ngay có mua hay không, nhưng chẳng bao giờ nhầm. “Với ông này, đồ không ngon thì đừng có mời mọc”, các bà rút kinh nghiệm với nhau.
Với gia đình Vinh, khả năng chợ búa cơm nước của anh được ai nấy ca ngợi và khuyến khích. Theo chị Thủy, điều này chỉ có tác hại duy nhất: “Giờ mỗi lần tớ phải đi mua thức ăn vì chồng bận, trước khi đi, thế nào cũng phải ngồi nghe ông ấy căn dặn, hướng dẫn, ngược đời thế chứ”.
Ngày nay, nam nữ bình đẳng hơn, phụ nữ cũng phải dành phần lớn thời gian cho công việc, hình ảnh các đấng nam nhi đi chợ không còn xa lạ. Khác với nỗi e ngại của các quý ông rằng hình ảnh của mình sẽ xấu đi nếu dính dáng đến con cá, mớ rau, các bà bán hàng rất thích thú với hình ảnh đó. Bà Mai Lan, bán hàng rau ở một chợ thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội, nói: “Mình bán hàng đến tối mịt mới về mà vẫn phải lo cơm nước cho chồng con, nên thấy ông nào biết giúp vợ việc nhà là quý. Tôi thích khách hàng đàn ông còn vì họ mua nhanh, ít mặc cả, không nâng lên đặt xuống nhiều”.
Nhận xét của bà Lan chắc chắn là sai khi áp dụng cho anh Thức, sống ở quận Đống Đa, Hà Nội. Thức khét tiếng cả khu chợ vì thói quen mặc cả sát sao mỗi khi mua bất cứ thứ gì, nhưng vẫn luôn được các bà các cô mời gọi, bởi anh mặc cả rất khéo, với giọng pha trò vui vẻ. Còn một lý do nữa là anh “tốt vía”. Họ cho rằng được Thức mua hàng thì sẽ buôn may bán đắt trong ngày hôm ấy. Thế nên, mỗi lần anh ra chợ là các quầy hàng xôn xao hẳn lên, bao nhiêu giọng nhao nhao mời: “Trứng em anh ơi”. “Trứng em bao tiền một quả?”. “Dạ ba nghìn”. “Hai nghìn thôi, đang khủng hoảng kinh tế, tiền đâu mua đắt thế?”. “Khiếp anh mặc cả thế thì gà mái nào dám đẻ trứng cho anh nữa”, cô bán hàng đáp. Bằng lối nói chuyện như thế, cả cái chợ thành người quen của Thức.
Thế nhưng với nhiều đức lang quân, chợ búa quả là một công việc đáng sợ bởi mỗi lần về nhà với túi thức ăn trong tay, họ đều nhận ra mình thật vụng về. Anh Nguyễn Anh Đức ở phố Lò Đúc, Hà Nội, là một ví dụ. Có lần vợ ốm, gọi điện nhờ chồng trên đường về mua cho ít cam. Đức về nhà với một túi lớn: “Em vắt nước uống cho khỏe, cam ngon lắm, anh chọn từng quả đấy”. Mở đến mấy lần túi được neo buộc kỹ càng, người vợ nhăn mặt khi phát hiện tất cả cam đều rất cũ, nhiều quả bị ủng. Ông chồng tội nghiệp ngẩn người ra không hiểu tại sao, đến khi được vợ giải thích, anh mới rõ: Chắc khi Đức đang loay hoay mở ví lấy tiền, bà bán hàng đã nhanh tay đổi túi cam hỏng, và anh cứ vô tư xách về.
Cũng như Đức, anh Long ở khu tập thể cạnh phố Nguyễn Công Trứ, Hà Nội, chỉ thỉnh thoảng mới phải mua bán khi vợ bận, hay mới sinh con, nhưng chẳng lần nào được “lên mặt” với bà xã. Bởi anh mua trứng thì trứng vữa, mua thịt thịt ôi, còn cá thì không phân biệt nổi loài nào với loài nào. Hồi vợ Long mang bầu, có dặn chồng mua giúp con cá chép về nấu cháo. Lúc đó bà bán hàng đã hết cá chép nhưng vì tiếc khách nên miệng “có đây có đây”, tay cân luôn con cá trắm cho anh. Anh chàng hớn hở xách con cá về, rất tự hào vì con cá nặng đến 3 kg.
Chuyện các ông chồng vụng về trong chợ búa thường được các bà vợ kể lại với nhau một cách hài hước, thậm chí thêm mắm thêm muối để “bôi bác” chồng. Tuy nhiên, rất ít bà có ý chê trách đức lang quân cho dù anh ta có mang về những thứ không ăn được. “Chợ búa đâu phải năng khiếu của đàn ông, cứ có ý thức giúp đỡ vợ là sung sướng lắm rồi. Sau mấy lần mua gì cũng hỏng, ông xã tôi đâm ra kính nể vợ, không còn coi việc nội trợ của đàn bà là vặt vãnh nữa”, chị Hoa, vợ anh Long, nói.
Theo Báo Đất Việt |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|