Với những gia đình đơn thân, hay chỉ một vợ một chồng thì sắm Tết không vấn đề gì. Nhưng với gia đình ba thế hệ, nhất là khi trong nhà có cả mẹ chồng và nàng dâu thì chuyện tết nhất nhiều khi cũng là chuyện cười ra nước mắt. | |
Tìm hiểu lối sống của nhà chồng, nắm được ý mẹ chồng, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn với các nàng dâu mới Từ mâm ngũ quả
Vốn là con gái đất Hà thành, lại lên xe hoa Nam tiến về nhà chồng vào ngày cận tết nên Linh lo lắm. Phong tục tập quán sắm tết của hai miền Nam - Bắc chắc chắn cũng có ít nhiều khác nhau và làm mẹ chồng hài lòng là điều mà Linh lo nhất. Để mẹ chồng vừa ý, ngay từ 25 tết cô đã cẩn thận hỏi ý bà là sắm gì cho ngày tết... Mẹ chồng cô nói: "Con cứ tùy ý mua, tết ở đâu cũng như nhau cả thôi". Được lời như cởi tấm lòng, Linh hăng hái xách giở ra chợ tìm mua những thứ mà... mọi năm ở nhà với mẹ vẫn mua, tức là không thể thiếu mâm ngũ quả với nải chuối xanh, một trái bưởi, vài trái quất, vài trái lê ki ma chín vàng cho đẹp mắt...
Về đến nhà cô vội vàng xếp mâm ngũ quả ra đĩa rồi bày lên bàn thờ gia tiên, lòng chắc mẩm thế nào cũng được mẹ chồng khen vì tài đi chợ của mình. Ai dè, vừa bước vào nhà bà Út (mẹ chồng Linh) đã vội vàng bê ngay mâm ngũ quả từ bàn thờ gia tiên xuống, bà hầm hầm nét mặt, không thèm giải thích với con dâu một lời và quày quả ra chợ mua trái dừa, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh bày lên thay cho mâm ngũ quả mà Linh đã mua từ trước.
Sau vụ đó, Linh buồn lắm, nhất là khi mẹ chồng xa gần ám chỉ việc con dâu mua... chuối về để cả nhà đều “chúi nhủi” chẳng làm ăn gì được. Lúc đầu Linh chẳng hiểu gì, nhưng khi nghe chồng giải thích cô mới biết quan niệm về mâm ngũ quả của người miền Nam và miền Bắc khác nhau. Nếu Tết của người miền Bắc không thể thiếu nải chuối xanh thì người miền Nam cũng không thể thiếu: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài với quan niệm “cầu vừa đủ xài”, cho năm mới làm ăn phát đạt.
Khi hiểu ra vấn đề, mẹ chồng Linh không còn giận con dâu mà trái lại còn thương cô hơn, bà khuyên Linh nên tìm hiểu kỹ hơn về phong tục tập quán, món ăn của người Miền Nam để thích nghi với gia đình mới của mình.
Đến việc sắm Tết
Đã ba năm rồi chị Thùy (ở Hải Anh, Hải Hậu - Nam Định) rời quê làm dâu thành phố. Chồng chị là cán bộ nhà nước, sống chung với bố mẹ ở Khu tập thể T.G, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội. Bằng ấy thời gian chị sống chung với nhà chồng nhưng cái cảm giác “chưa quen” dường như vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của chị, nhất là những cái Tết ở “nhà người ta”.
Chị Thuỳ nhớ lại: Năm đầu tiên về nhà chồng, kể từ ngày cưới đến tết chỉ đúng 1 tháng. Khi cảm giác “lạ nhà” vẫn còn ngự trị trong con người chị thì cái nghĩa vụ làm dâu trước thềm năm mới đã bắt đầu. Ở quê, dù sống giữa vùng nông thôn nhưng ít khi “Thuỳ phải đứng ra quán xuyến chuyện tết nhất, toan tính việc đối nội đối ngoại mà đã có bố mẹ và anh chị đỡ rồi. Về làm dâu nhà người ta, lại ở thành phố, bố mẹ chồng đều là công chức nhà nước, quan hệ rộng nên năm hết tết đến họ cũng phải lo chuyện đối ngoại với nhiều mối quan hệ khác nhau. Thùy được bố mẹ chồng phân công “đạo diễn” chuyện bếp núc ngày Tết, lo quà cáp để bố mẹ chồng đi “ngoại giao”.
Dâu mới phải thể hiện, ít ra là sự chăm chỉ, khéo léo, đảm đang nhưng đường còn chưa thuộc, chuyện sắm tết chưa biết bắt đầu từ đâu, chồng thì cũng không biết làm thế nào nên Thùy tưởng như mọi chuyện rơi vào bế tắc. Đang lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu thì Thuỳ chợt nhớ đến mấy cô bạn cùng cơ quan cũng đã có chồng. Đem yêu cầu của bố mẹ chồng ra nhờ mấy cô bạn “giải cứu”, Thùy nhận được khá nhiều phương án tư vấn của bạn bè, thế nhưng rút cục Thùy lại rơi vào “mê cung” vì có quá nhiều phương án mà chẳng chọn được cho mình một cách phù hợp bởi mỗi người có hoàn cảnh không giống nhau.
Đi chợ thì không khó nhưng mua gì cho các món ăn ngày tết phù hợp với khẩu vị, thói quen thưởng thức của người thành phố, mua dùng một bữa hay cho cả đợt Tết, người thành phố cũng giao thừa phải có xôi gà, rượu thịt như ở quê cô hay còn có phong tục nào khác... Thùy cảm thấy đau đầu thực sự vì không chỉ lo các món ăn cho ba ngày tết cô còn phải có trách nhiệm chuẩn bị quà để bố mẹ đi thăm họ hàng, người thân. Cuối cùng thì mọi việc Thuỳ vẫn phải đánh liều theo phán đoán của mình.
Tuy không được như ý (theo góp ý của mẹ chồng) nhưng cũng không có điều gì khiến bố mẹ chồng phải “ý kiến” về cô con dâu quê về lo tết nhà chồng thành phố cả. Bố mẹ chồngg cô là người khá tâm lý, họ muốn Thùy phải chủ động mọi chuyện ngay từ những ngày đầu để rồi dù có sai sót, sơ suất điều gì thì còn về sau mà điều chỉnh. Tết năm ấy Thuỳ cũng chỉ lo được mỗi ngày mồng Một, chuẩn bị vài món quà để bố mẹ chồng thăm nội ngoại và từ ngày mồng Hai trở đi họ được tự do thăm thú bạn bè, về nhà ngoại ở Nam Định, đi du xuân chứ không phải lăn vào bếp liền mấy ngày như ở dưới quê.
Sau lần đầu với những lo toan đến ám ảnh đó, dù đã ba mùa xuân làm dâu nhà người, Thuỳ vẫn không tránh khỏi cảm giác lúng túng mỗi dịp tết đến xuân về. Phận làm dâu phải chu toàn mọi việc, đặc biệt chuyện bếp núc cho những ngày vui xuân đón tết, Thùy vẫn có những phân vân, một mặt muốn làm hài lòng bố mẹ chồng, mặt khác bản thân cũng có những thu vén riêng cho bên ngoại. Vậy là cái vòng luẩn quẩn của những toan tính lo âu cứ mãi đeo bám trong ý nghĩ và con người Thùy cho đến tận bây giờ.
Tâm lý nàng dâu
Theo các chuyên gia tâm lý, khi mới về làm dâu, đa phần các cô con dâu đều có tâm trạng chung là rất e thẹn, ngại ngùng và bỡ ngỡ. Đặc biệt là các cô dâu về nhà chồng vào dịp năm hết tết đến điều này lại càng lớn hơn. Vì họ chưa có một khoảng thời gan để tìm hiểu và làm quen với phong tục của nhà chồng, chưa thiết lập được mối quan hệ gắn bó thân mật với các thành viên trong gia đình.
Lời khuyên dành cho các cô dâu trước khi về nhà chồng là phải tìm hiểu kỹ về phong tục nhà chồng, đặc biệt là phong tục trong dịp Tết Nguyên Đán. Nhưng quan trọng hơn là phải “thiết lập” được mối quan hệ tốt đẹp với gia đình nhà chồng - nhất là mẹ chồng và các em chồng trước khi bước lên xe hoa. Có như vậy, khi về nhà chồng mới cảm thấy đỡ bỡ ngỡ, đỡ ngại ngùng và e dè.
Các nàng dâu mới cần phải phát huy tối đa khả năng quan sát của mình, không chỉ là quan sát cuộc sống nhà chồng mà còn phải quan sát xung quanh: họ hàng, làng xóm... Như vậy mới dễ dàng ứng biến linh hoạt với “các bài kiểm tra hóc búa” của gia đình nhà chồng. Tất nhiên, một yếu tố vô cùng quan trọng là sự cảm thông, chia sẻ của các thành viên trong gia đình đối với thàn viên mới, nhất là sự cảm thông, chỉ bảo của mẹ chồng là điều cần thiết để dâu mới có thể thích nghi với gia đình một cách nhanh nhất.
Theo Thu Hằng - Đức Anh Gia đình |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|