Mấy hôm trước, khi mẹ chồng ở miền Nam gọi về nhắc chuẩn bị cúng Táo Quân, Xoan mới sốt sắng hỏi khắp nơi về các việc phải làm. 30 tuổi, lấy chồng đã 3 năm nhưng cô chưa bao giờ để ý đến ngày này. | ||||
Xoan cho biết, khi cô còn nhỏ, ở nhà mọi việc mua sắm, thờ, cúng đều do mẹ đẻ lo, chỉ cần đến bữa về ăn là được. Khi lớn lên, đi học rồi đi làm xa nhà, cô càng chẳng để ý đến ngày 23 tháng Chạp, cứ chờ được nghỉ Tết là bắt xe về quê thôi. Đến khi đi lấy chồng, Xoan vẫn ở Hà Nội, nhà chồng thì ở xa gần trăm km nên nên cô cũng chưa phải lo chuẩn bị gì Tết, ngoài mua ít bánh kẹo, đồ ăn để khi nào được nghỉ thì mang về. Năm nay, nhà chồng Xoan đã bán đất ở quê, gom tiền mua nhà thành phố để tiện cho ông bà lên ở cùng vợ chồng Xoan, chăm cháu. Mẹ chồng cô tháng trước vừa phải vào Nam thăm cô con gái mới ở cữ, 25 Tết mới về nên đã gọi điện nhắc nhở con dâu chuẩn bị lễ cúng Táo quân. Lúc đó, Xoan mới nháo nhác gọi điện về cho mẹ đẻ hỏi xem cần mua những đồ lễ gì và lên diễn đàn ẩm thực "cầu cứu" các chị em về những món cần chuẩn bị cho mâm cơm cúng chu tất.
Cũng lập gia đình 5 năm nay nhưng chị Dung, ở Khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội chưa từng cúng ông Công ông Táo và thường chẳng bận tâm lắm khi hàng xóm hay bạn bè nô nức chuẩn bị cho ngày này. Chị cho biết, trước đây còn trẻ đi học xa nhà chị không để ý đến những điều đó, giờ thì quanh năm bận rộn, gần Tết công việc cơ quan lại càng nhiều nên chẳng còn thời gian quan tâm đến việc cúng, bái nữa. Thường các năm trước vào ngày này, chị chỉ làm nhiều món ngon hơn hoặc mua đĩa quả thắp hương để cả nhà quây quần, chứ cũng không thờ, cúng gì. "Đôi khi thấy chị em cùng cơ quan bàn chuyện sắm đồ lễ thế nào, chuẩn bị món gì cho mâm cơm cúng, mình cũng thấy hơi áy náy vì nhà mình chẳng có gì. Nhưng bố mẹ hai bên gia đình đều còn sống và đều có bàn thờ cả, nên cũng chẳng ai mặn mà giục mình lập bát hương. Mình nghĩ chuyện này cũng chẳng quan trọng quá, cốt có lòng là được", chị Dung nói. Chưa lập gia đình, Hương Giang, 26 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội cũng hầu như không để ý chút nào đến ngày Tết Táo quân. "Nhà mình theo kiểu 'vô thần' nên ngay cả bố mẹ cũng chẳng biết nữa là. Từ bé đến giờ mình chưa biết đi thả cá là gì hay cúng ông Táo là ra làm sao", Giang thổ lộ. Cô còn cho biết, chẳng riêng gì mình mà có vài người bạn cô cũng trong tình trạng tương tự. Tuy nhiên, với đa số người dân Việt Nam, nhất là các bà nội trợ thì ngày 23 tháng Chạp âm lịch rất quan trọng. Nó là khởi đầu cho Tết, và có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi gia đình. Bác Hòa, 45 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội bày tỏ, nhà bác năm nào cũng chuẩn bị lễ táo quân rất đầy đủ. Bác cho biết, đến hôm nay, bác đã mua sẵn các lễ vật cúng gồm có 3 bộ mũ áo cho hai ông, một bà Táo, 3 đôi hia và một ít vàng thoi bằng giấy. Những đồ này sẽ đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Theo bác Hòa, kèm theo các lễ, người ta còn soạn một mâm cơm cúng mặn. Tùy hoàn cảnh mà nhiều món hay ít nhưng thường gồm một con gà luộc, đĩa xôi, canh măng... Ngoài ra, để các ông và bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc còn cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa rồng" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay sông sau khi cúng). "Với gia đình tôi, Tết Táo quân quan trọng lắm, cũng như cái bếp có ý nghĩa vô cùng lớn đối với một gia đình. Mình cúng thế này ngoài ý nghĩa mong ông Táo phù hộ cho gia đình đầm ấm, còn để các con biết về truyền thống, tục lệ sau này mà làm theo", bác Hòa chia sẻ.
Vương Linh |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|