Thời đại học, Dạ Thanh được nhiều người biết đến nhờ nét yểu điệu “trên mức bình thường”. Nhà có điều kiện, Thanh đi học cứ như đến sàn diễn với đủ loại váy áo. Nhiều chàng trai trong lớp thích Thanh nhưng không dám theo đuổi vì sợ không đủ sức phục vụ cô nàng đỏng đảnh. | |
Duy chỉ có Minh, một SV khoa khác tìm đến “xin chết”. Minh đưa đón nàng đi học, tháp tùng nàng đi mua sắm, đi tìm bằng được những món ăn nàng ưa thích... Người ngoài bảo “thằng Minh tự làm khổ mình”, còn Minh lại dốc sức phục vụ người yêu với chân lý “không gì sung sướng bằng... được khổ vì người mình yêu”.
Sau ngày cưới, Minh như... bước ra từ một giấc mơ bởi trước đây mọi chuyện đẹp, lãng mạn bao nhiêu thì bây giờ “oải” bấy nhiêu. Vất vả lắm, Minh mới xin được chỗ làm cho vợ nhưng làm được dăm bữa, nửa tháng, Thanh lại đòi bỏ việc và nhờ chồng tìm chỗ khác. Chỉ trong nửa năm mà Minh đã phải tất tả xin đến 6 chỗ làm cho vợ.
Thời yêu nhau, thấy Thanh yếu đuối, Minh càng thương nhưng bây giờ, thấy vợ than mệt, đòi đổi chỗ làm, Minh càng bực vì rõ ràng là Thanh lười biếng, không quen làm việc.
Hiếm khi Thanh nấu cơm ở nhà, thế nhưng mỗi lần đi ăn ở ngoài, cô cứ chê ỏng chê eo chỗ này mặn, chỗ kia dở khiến Minh phải chạy lòng vòng khắp thành phố mới tìm được quán ăn mà vợ vừa ý. Anh cố nén nỗi bực mình và tự trấn an mình: “Lấy vợ đẹp thì phải chịu vậy, cái gì cũng có giá của nó”.
Tuy nhiên, càng ngày, Thanh càng phát sinh thêm nhiều nhu cầu hưởng thụ khác như làm móng tay, móng chân, trang điểm ở tiệm, đi spa thư giãn, thường xuyên đi xem phim ở rạp... Càng chiều, Minh càng đuối và đành đề nghị vợ xem lại cách chi tiêu. Thanh phản kháng: “Anh lấy vợ mà không nuôi nổi vợ, vậy sao còn dám lấy tôi?”.
Minh biết, sự việc khó cứu vãn khi sự chiều chuộng của anh vô tình đã đẩy hai người dần xa nhau hơn, vì Thanh đã trở thành người vợ “thuần” hưởng thụ, còn anh là người chồng “thuần” phục vụ.
Từ ngày về nhà chồng, Hân (Q.4, TP. Hồ Chí Minh) xác định “chiến lược” làm vợ: Mình không xinh đẹp như người ta nên bù lại bằng cách chiều chuộng chồng thật nhiều.
Thái (chồng Hân) càng được vợ chiều càng ỷ lại. Công việc nhà, anh tuyệt nhiên không đụng đến, chỉ ngồi gác chân chờ vợ dọn cơm, ăn no rồi lại nằm kềnh. Có người hàng xóm bảo: “Thằng Thái đúng là có số sướng, lấy được cô vợ phục vụ cho tận răng”. Người khác lại bĩu môi: “Nó sướng bao nhiêu thì cô vợ khổ bấy nhiêu”.
Vốn con nhà nghèo, Hân chưa kịp mừng vì lấy chồng nhà khá giả thì của cải đã đội nón ra đi theo thói đề đóm của chồng. Không dám khuyên can, có lúc Hân còn... đi ghi đề dùm chồng.
Tiền bạc khánh kiệt, bên nhà chồng cắt “viện trợ”, Thái vẫn lười biếng lao động, mặc quần áo đẹp, cưỡi xe la cà khắp xóm, đến giờ cơm lại về. Lương công nhân không đủ, Hân phải đi vay nợ để phục vụ cơm nước cho chồng nhưng không dám mở lời kêu ca.
Gia đình bên chồng mắng Thái vì tật lông bông, Hân vẫn cố bênh chồng. Thái xin vào làm nhân viên giao hàng mới được 1 tuần, đã nghỉ đến 3 ngày vì viện cớ ốm. Hân vẫn chiều, bảo chồng thôi việc, về nhà nghỉ ngơi dù Thái chẳng bệnh tật gì cả.
Rồi những đứa con ra đời, Thái vẫn chứng nào tật nấy, còn Hân trót làm người vợ “siêu đảm đang” nên vẫn cố chịu đựng chồng. Cô chia sẻ: “Tôi cứ nghĩ càng chiều càng được chồng yêu, ai ngờ anh ấy không yêu thì chớ, có lúc còn quát mắng tôi như quát mắng người hầu. Từ lúc lấy chồng đến nay, tôi hoàn toàn phải chịu đựng, chưa có được một ngày vui vẻ thực sự, tôi có nên chia tay?”.
Chị Đinh Thị Bắc (Đà Nẵng) chia sẻ: “Xu hướng chung của phụ nữ là thích được đón nhận sự giúp đỡ của người khác phái, nói trắng ra là thích được chiều chuộng. Đàn ông thì thích được chiều chuộng theo kiểu được phục vụ. Chồng tôi vốn là con một, được nâng niu từ bé đến lớn, chỉ biết đi học, rồi làm việc ở cơ quan, còn việc nhà thì... mù tịt. Có lúc, tôi mang bụng bầu to, leo lên thay bóng điện mà tủi thân muốn khóc, nhà dột, tôi cũng leo lên thay ngói, còn anh ấy đứng ở dưới đưa ngói.
Trong nhà, anh ấy là người vứt bừa mọi thứ, còn tôi đi theo dọn, lúc tôi sinh em bé, anh ấy cũng chỉ biết giặt đồ bằng hai ngón tay (đưa hai ngón tay kẹp quần áo, nhúng mấy lần rồi đưa đi phơi) khiến tôi phải giặt lại. Đụng việc gì làm được là tôi làm hết, cuối cùng cái gì cũng biết, cái gì cũng làm còn chồng thì chơi không mà còn được tiếng là hưởng phước từ vợ. Tôi nhận ra, tất cả cũng chỉ vì mình chiều chồng quá mức. Gia đình làm sao ổn được khi chồng thì nằm thẳng lưng mà vợ quần quật không hết việc? Vậy là tôi đã thống nhất với chồng một số nguyên tắc: Nhiệm vụ của chồng phải làm gì, vợ phải làm gì. Nếu chồng chưa làm được việc đó thì vợ sẽ hướng dẫn hoặc sẽ đi học từ người khác. Tôi đã dần cải thiện được tình hình và lấy lại được cân bằng trong gia đình, bây giờ, chúng tôi chiều nhau”.
Thực tế, cách hiệu quả nhất là người vợ và người chồng mang lại hạnh phúc cho nhau, thế nhưng cái gì cũng chiều sẽ dẫn đến tình trạng nuông chiều quá mức. Lòng ham muốn của con người thường vô đáy, vì vậy, người phụ nữ và người đàn ông được chiều chuộng nhiều đến mức nào đi nữa cũng không cảm thấy là mình quá đáng.
Người được chiều cứ vô tư nhận, người chiều phải bấm bụng, cắn răng cố gắng và cho đến một ngày, người nhận cứ nghĩ mình xứng đáng được như thế và tiếp tục đòi hỏi, còn người cho đã quá mệt mỏi và muốn buông xuôi. Chính vì vậy, việc xác định giới hạn giữa chiều và nuông chiều là hết sức quan trọng.
Cơ bản, người phụ nữ cần được chiều một số vấn đề khá nhỏ nhặt như: Sáng ra đi làm, chồng dắt xe giúp và nhẹ nhàng “em nhớ đi cẩn thận nhé”; ăn một cách ngon lành những món vợ nấu và không quên tặng một lời khen; không quên những ngày lễ, kỉ niệm của vợ; thỉnh thoảng xung phong chở vợ đi chợ, chở vợ đi làm...
Người đàn ông cũng chỉ cần vợ chiều ở mức độ: Ủng hộ, khích lệ chồng trong công việc; ghi nhận lời khuyên của chồng; nấu những món chồng thích trong một số dịp đặc biệt; cùng chồng đi du lịch...
Sự chiều chuộng cần xuất phát từ tình cảm và tránh trường hợp một bên hy sinh, một bên thụ hưởng.
Theo Hà Thu Mai Phụ nữ Việt Nam |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|