Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Tháng Tết của mẹ
Câu đầu tiên tôi hay hỏi mẹ là, năm nay sẽ mua cái gì hả mẹ? Vẫn giọng hài hước, mẹ tôi trả lời: "Dạ em có chuẩn bị hết rồi cậu út ạ", vừa nói, mẹ vừa di chuyển cánh tay, y chang điệu bộ của các cô hát quan họ.

Ngày 15:

Ngày rằm thánh chạp là mẹ tôi chuẩn bị Tết bằng việc lặt lá cây mai vàng trước sân, ngay sát bên bàn thờ Thiên. Cây mai vàng là món quà của anh tôi tặng cho mẹ nhiều năm về trước. Vì mến bông mai đẹp, nên bà giữ lại và đem trồng trước sân, có lẽ cũng hơn mười năm lẻ. Bây giờ công việc lặt lá cây mai được mẹ tôi làm trước tiên và phấn khởi, vui vẻ lắm. Vì bà biết Tết đang về đến sân, nên hầu như bà rất thích công việc này.

Mẹ tôi, được con cái trong gia đình, bà con lối xóm và nhất là đám bạn của tôi yêu mến gọi là mẹ sáu. Kêu như vậy là theo thứ tự bên nội của ba tôi khi mẹ về làm dâu, chứ thật ra mẹ tôi là con út trong gia đình chỉ có hai chị em. Vì mẹ tôi hay nấu ăn, làm bánh, làm trái, có cái gì ngon, cũng đều mang đi cho, đi biếu mọi người. Có người, sau khi ăn thấy ngon, như món cơm rượu chẳng hạn năm nào đến tết Đoan Ngọ cũng nhờ mẹ tôi làm. Sau vì ngại nên họ yêu cầu trả tiền đàng hoàng.

Những ngày tiếp theo, mẹ hay lên lịch, kế hoạch là sẽ mua gì, chuẩn bi như thế nào cho ba ngày Tết. Tuy chưa có gì cụ thể và gấp gáp hết nhưng tâm trạng, thì háo hức lắm.

Ngày 18:

Sáng sớm tôi thức dậy, đi xuống bếp nghe mùi thơm của nếp nấu với lạc và thêm mùi muối vừng hòa quyện cùng làn gió heo may còn sót lại của mùa đông, nghe ấm áp lạ thường, cùng với mùi của nén hương thắp trên bàn thờ ông bà mỗi sáng sớm. Một bản giao hưởng mùi hương thân quen, tổng thể làm tôi không quên được.

Câu đầu tiên mà tôi hay hỏi mẹ là, năm nay sẽ mua cái gì hả mẹ? Vẫn giọng hài hước, mẹ tôi trả lời: "Dạ em có chuẩn bị hết rồi cậu út ạ", vừa nói, mẹ vừa di chuyển cánh tay, y chang điệu bộ của các cô hát quan họ. Mẹ tôi có chất giọng đặc sệt vùng Kinh Bắc, nơi mà chứa đầy những hoài niệm về thời cùng các liền anh liền chi đi hát văn công. Thỉnh thoảng bà vẫn hay ư ử vài câu ca quan họ, như nhớ về những người chị em của một thời áo Tứ thân, nón Quai thao.

Ngày 23:

Tôi vội vã để đi làm, vì hôm nay là ngày tổng kết nhiều công việc, chương trình cuối năm, tôi không muốn đi trễ. Vì đường khá xa, không kịp để ăn bữa sáng mẹ đã nấu sẵn, chỉ kịp uống ly trà xanh cùng với tiếng nói của mẹ kéo dài từ trong nhà ra đến sân: "Ra đường ngắm cẳng, ngắm chân, về nhà ngắm cổng, ngắm sân, ngắn hè" vội gì thì vội, nhìn lại áo quần, giày dép, mũ nón lại kìa con".

Tôi hiểu ý của mẹ, vì câu ca dao này, đã nghe đến trăm lần có dư. Vậy đấy mỗi lần có dịp là mẹ tôi cứ hay nói như vậy, ở nhà thì sao cũng được nhưng khi ra khỏi nhà, mẹ tôi có thói quen phải chỉnh chu, từ đầu đến chân, đầu tóc, áo quần. "Cái răng cái tóc là góc con người", tôi bị mẹ nhắc nhở nhiều nhất nhà vì cái thói quen ăn mặc kỳ dị của mình. Nhưng riết mẹ cũng quen với đứa con hơi bất trị này.

Ngày 25:

"Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" là câu mẹ tôi hay nói để chuẩn bi công việc đi chợ tết. Bắt đầu là mẹ tôi mua muối, gạo, và đem ống bình vôi trên gác bếp xuống rửa cho sạch sẽ và thay vào đó là một bình vôi đầy ắp, màu hồng cánh sen rất đẹp. Tôi thắc mắc thì mẹ nói rằng, đó là phong tục từ khi bà ngoại còn sống. Mà tôi cũng chả quan tâm lắm đến cái bình vôi đó. Sau đó mẹ nhắc anh hai, anh ba, anh tư và chị năm của tôi về vài thứ cho Tết. Có vài thứ cho Tết mẹ phải đặt trước vì chúng ở tuốt trên Tây Nguyên như: măng lưỡi lợn, hay ở tít ngoài Hà Nội như miến, nếp, đậu phộng, chè, nấm hương...

Ngày 27:

Mẹ đi đặt lá dong, lạt, đậu chuẩn bị công việc gói bánh tét. Me tôi ngồi đổ hết nếp ra cái mẹt, rồi đeo mắt kiếng vào, để lựa từng hạt gạo bỏ ra ngoài. Đậu xanh, cũng được bà làm tương tự, lượm những hạt đậu xấu vứt hết. Trưa tôi gọi về từ cơ quan, mẹ bảo "tao đã hoàn thành xuất sắc công việc của ngày hôm nay" sau đó là cười ha hả vui lắm. Mẹ lại bảo, "chẳng có đứa nào để nhờ lấy xuống gói tro gòn".

Trời đất, mẹ lại chuẩn bị gói bánh nước tro đây mà. Về khoản bánh tét, bánh chưng thì tôi hay cằn nhằn mẹ vì làm chi cho cực. Tết chả có ai ăn, anh chị lại có gia đình riêng, tôi thì chẳng biết ăn bánh tét, bánh chưng. Nhưng lần nào mẹ cũng bình thản trả lời: "gói bánh luộc bánh đó là niềm vui đó con". Tôi nghĩ điều đó đúng vì có những đêm ba mươi, mẹ vớt bánh ra với niềm vui vì mẻ bánh thành công vang dội (mẹ tôi nói như vậy, chứ ai biết, tôi có bao giờ ăn ba cái bánh đó đâu).

Nhưng cái bánh nước tro thì tôi thích mẹ tôi làm lắm vì bạn tôi ai cũng thích ăn, mà bạn bè của mẹ, hầu như ai cũng thích. Àh, tôi cũng thích ăn nữa. Vì bánh tro thì cũng có nhiều nơi làm nhưng mẹ tôi giữ một bí quyết riêng là hương vị bánh của riêng ở vùng đất dân ca Quan Họ. Cái bánh tròn bằng cổ tay thiếu nữ, màu nâu cánh gián, trong suốt như mã não, dẻo và dai, mềm mại như cành liễu bên hồ, bỏ vô tủ lạnh, khi ăn chấm với mật đường, mùi vị thì khỏi chê rồi. Có một chút the the của vôi ăn trầu, một chút đượm (hơi nhẫn nhẫn) của nước tro, một chút chát chát của măng khô, hòa cùng vị ngọt dẻo của nếp Cái Mai Vàng (cất công mua từ Hà Nội).

Công việc làm bánh chuẩn bị từ mùa hè khi những trái gòn khô nở bung ra, trong khi người ta lấy gòn làm gối ôm, gối ấp, mẹ tôi lấy vỏ gòn đốt ra lấy tro. Vậy mới không đụng hàng chớ. Có những năm, cây gòn không ra trái, mẹ tôi lại đi về những vùng ngoại ô, để cắt những cành rau Dền gai mang về phơi khô, đốt lấy tro.

Chuẩn bị tết thì mang ra lắng lấy nước trong gói bánh. Để có màu nâu nhạt, đẹp và trong như mã não, mẹ tôi phải dùng đúng loại măng khô Hà Nội hay là của Buôn Mê Thuật vì những loại măng này có màu nâu rất đẹp và trong. Có năm tôi làm hư cả một thúng nếp vì ngâm quá giờ trong thau nước tro. Làm mẹ tôi phải vứt hết đi làm lại từ đầu.

Ngày 28

Củ kiệu, củ hành thì đã xong từ tuần trước, hôm nay mẹ hỏi tôi: "Nào bạn của cậu, cần mấy cân dưa nào?". Dạ, thằng Khoa 2 kg, thằng Tuấn nhà nó gốc tàu, 1 kg thôi. À me ơi, con Linh, năm ngoái đến ăn cơm nhà mình thấy ngon, nên muốn xin một ít. Con Linh là đứa nào?. Dạ là đứa mập mập tròn tròn đó. À ra thế, con gái gì béo trục béo tròn, vụng vòi vụng thối. Sau này mày lấy vợ thì kiếm đứa nào "thắt đáy lưng ong" vì "khéo chiều chồng, lại biết nuôi con" nghe chưa!

Theo quan điểm của mẹ, đàn bà con gái phải thắt đáy lưng ong (eo nhỏ, mông hơi to chút). Vì như thế sẽ khéo léo mà riêng tôi thì nghĩ như vầy, phu nữ mà có vòng eo nhỏ thì nhìn đẹp lắm hơn là không có miếng eo nào hết. Thôi tao làm cho nó một k g nhá, mẹ bảo Dạ!

Thế là mẹ tôi nhờ người đi chợ mua về hơn mười cân dưa vừa để nhà ăn vừa để cho. Người miền Nam, ăn thịt kho với dưa giá, nhưng nhà tôi tuy có ba là người Nam và sau này bạn bè lại bắt chước thích ăn thịt kho với dưa cải chua hơn, giống như ăn thịt nguội với củ hành chứ không ăn với dưa món.

Ngày 29:

Me tôi kêu anh ba, người can đảm nhất gia đình trèo lên cây dừa ngoài sau vườn, hái mấy trái dừa xuống kho thịt. Có năm anh ba bận quá, mẹ không cho tôi leo, đành đi kêu người hái. Nhưng có năm chẳng có người hái dùm. Tôi đành ra chợ mua dừa cho mẹ về nếm cái nước dừa mẹ chặc lưỡi: nước dừa không ngon con à, kho với cái nước này, khéo lại không ngon nồi thịt. Vì mẹ tôi nói, nước dừa kho thịt phải là dừa hơi rám, để có chút Gas khi kho mới ngon.

Thế là lại đi thuê người hái dừa. Mẹ lại bảo: "À, chốc nữa con đi đánh bóng bộ lư, nhân tiện mua cho mẹ vài chục trứng cút nhá". "Để làm chi", tôi hỏi. "À cái đám cháu nhà ta, tự dưng thích ăn thịt kho với trứng cút. Trứng vịt to quá, chúng không cho tọt vào miệng được nên không thích ăn", mẹ tôi đáp. Số là nhà tôi sau này anh chị đi lấy vợ, lấy chồng sanh ra một đống cháu khoảng 8 đứa. Năm nào chúng cũng về làm giặc nồi thịt kho của bà. Mẹ tôi thích lắm vì có người thưởng thức món ăn sở trường ấy.

Ngày 29 tôi bận rộn kinh khủng, phải dậy từ sáng sớm đề đi chợ chọn mua những bông hoa đẹp, tươi và trái cây ngon. Coi trong nhà còn thiếu cái gì, me tôi dặn dò mua cái gì, danh sách đồ cần mua, ghi gần kín tờ giấy A4. Sau đó, mẹ tôi sẽ nhìn lại lần nữa toàn bộ những món quà để mang đi biếu bạn bè, sui gia, người thân, chùa, đình, lối xóm. Những gói quà mà tôi đã gói giấy hoa, thắt nơ từ đêm hôm trước, một số cái chỉ bỏ vô bịch mà thôi. Mẹ tôi muốn cân nhắc vì có những gói quà sẽ được bỏ thêm vô hay sẽ bị di chuyển tùy theo mức độ sử dụng chung của chúng với nhau và cũng có khi tùy theo mối quan hệ nữa. Và cuối cùng là tôi phải xử lý cái đống quà cáp đó biến mất trong ngày.

Tôi khéo tay lắm nên từ lâu mẹ giao hẳn phần trang trí bàn thờ, phòng khách cho tôi làm, phần mẹ cũng đỡ tay chân. Từ đó trở đi, mẹ và tôi có giao kèo hẳn hoi. Mẹ lo nhà bếp là chính, tôi sẽ lo nhà trên, trang trí và chạy việc vặt cho mẹ. Tính ra tôi làm nhiều hơn mẹ đấy nhá.

Trên thực tế giữa các buổi tối là tôi với mẹ hay thảo luận sẽ mua sắm cái gì, cho ai cái gì, cúng chùa bao nhiêu và năm nay tết sẽ đi đâu... Tôi thích cắm hoa vì thế thường đem hoa vào trong mâm ngũ quả và học được kỹ thuật chất trái cây cao mà không bị đổ. Và tôi lại tạo nhiều kiều lạ mắt thay đổi mỗi năm nên năm nào cũng vậy, bàn thờ gia tiên nhà tôi ai đền cũng trầm trồ khen đẹp. Đến nỗi có năm tôi phải chạy đi làm giùm vài gia đình bạn bè của mẹ. Bạn bè của mẹ hả hê lắm, biếu quà cáp mang về. Mẹ thì vui lắm vì con mình được người ta thích. Có bà kia đòi gả con gái. Mẹ tôi cũng xáp vô kêu được được, tôi buông một câu: "Xin cảm ơn, để con yên! thì mẹ tôi cũng phán một câu: "Ừh, thôi kệ mày!"

Đến chiều ngày 29, mẹ bảo tôi báo cho mẹ biết đã đi cho quà những ai, mua đồ còn thiếu cái gì, cái gì đã xong, cái nào chưa xong. Mẹ nhắc đến trưa ba mươi là phải kết thúc công việc chuẩn bị, để lau dọn nhà lần cuối còn cúng cơm đón ông bà về ăn tết. Hầu như là về phía nhà bếp, mẹ đã xong hết. Nhà trên tôi chưa trang trí xong cây mai, bô lư đồng thì hẹn đến 5 giờ chiều mới xong, thế đấy.

Ngày cuối năm:

Sáng sớm đã thấy mẹ lục đục dưới bếp, mùi đồ ăn bốc lên thơm vô tân phòng ngủ của tôi. Tôi hơi mệt chút nhưng thấy mẹ mình đã dậy từ lâu nên cũng phải dậy. Câu đầu tiên mẹ nói với tôi là: "Con đi thay nước tất cả bàn thờ. Mẹ chỉ mới đốt nhang thôi. Hứ! Vụ này vui nè. Chưa thay nước mà đốt nhang, lạ thiệt!

Thường tôi hoàn tất việc trang trí bàn thờ từ khuya hôm trước, lúc mẹ đi ngủ. Nên vào buổi sáng, mẹ tôi vui ngắm bàn thờ rồi phán một câu: "Làm như vầy mới đẹp chứ, mới xứng đáng" "Phải thế này chứ, thế này mới xinh". Sau đó, theo lệ thường là đi đốt nhang và tôi đi thay nước. Tôi nghĩ, sao mình không làm ngược lại nhỉ?

Đến trưa là mẹ tôi sắp sửa hoàn tất hai mâm cơm. Tôi có hỏi là sao đến hai mâm, mẹ bảo mâm gần bàn thờ là cho ông bà, mâm ở ngoài xa hơn la cúng đất đai, những người khuất mặt, khuất mày đã sinh sống ở đây trước mình. Sau đó, mẹ tôi đi sắp xếp lại bánh trái để chúng thật ngăn nắp. Có năm nọ nhìn đống bánh trái cái nào cái nấy tròn ú, giống trẻ em bị bệnh béo phì mặc đồ lòi ra cả ngấn, mẹ bảo: "bánh phải gói như thế này chứ, phải đẹp như vầy chứ, gói mà không chắc tay ấy à, có mà thành cháo nhá" thế là tự khen, tư sướng một mình.

Nhà bếp nhìn sinh động hơn ngày thường với nồi thịt kho quá cỡ, nồi khổ qua hầm đầy ắp, bên phía dưới là nồi giò heo hầm măng khô. Bên cạnh đó là củ kiệu, củ hành, dưa món, dưa cải chua và cái hủ kim chi bé bé là của riêng tôi. Bên trong tủ lanh thì toàn rau là rau và các loại thịt nguội, nem chua, chả, giò lụa...Vậy mà mẹ tôi nào đã xong, còn phải tới lui với hai con gà luộc cho ngày mai nữa.

Đêm cuối năm:

Mẹ mệt mỏi quá, chỉ nằm trên ghế coi ti vi. Tôi chạy lạch bạch như con vịt, chuẩn bị bàn thờ cúng giao thừa ngoài sân. Chạy quay chay lại ngang qua cái phòng khách từ nhà bếp đến cái sân, mẹ chóng cả mặt bảo: "Sao con không lấy cái mâm mà bưng?", tôi nói: "Nhà có bao nhiêu mâm mẹ đem đựng bánh hết rồi. Còn đâu nữa mà lấy. Bây giờ còn cái mâm hai chân đang chạy nà. Thế là hai me con cùng cười to lên.

Gần đến 12 giờ, tôi kiểm tra lần cuối bàn thờ giao thừa để chuẩn bị kêu mẹ tôi ra cúng. Bàn thờ thường có bên trái là mâm ngũ quả, bên phải là bình hoa, đĩa bánh mứt, đĩa muối gạo, bánh tét, bánh tro, bánh chưng, dừa tươi, áo quần giấy, 3 ly nước, hai ngon nến, 3 cây nhang. Và điều cuối cùng tôi không được quên đó là phun nước cho ướt toàn bộ khoảng sân trước nhà. Điều này là chị dâu cả của tôi khi về làm dâu mang theo phong tục bên nhà. Nói là làm như thế sẽ mang tiền tài đến. Tôi thấy thích, cả nhà cũng thích vì sân sẽ sạch đẹp, mát hơn.

Giờ phút giao thừa tôi làm cả bó nhang. Tôi thắp nhang lên toàn bộ bàn thờ, từ ngoài sân vô trong nhà. Đốt một ít trầm để xông nhà năm mới, mẹ tôi thì lâm râm khấn vái. Tôi và mẹ thích ngắm bàn thờ gia tiên, nhìn nến lung linh, nhang tỏa khói cùng với hương trầm, hoa trái, tạo nên thời khắc giao thừa đầy kỷ niệm của mẹ, tôi và gia đình.

Và lúc ấy mẹ tôi thường nói: "Khôn ngoan đến cửa quan mới biết, giàu có 30 tết mới hay". Ý của mẹ là sự tươm tất, đầy đủ trong gia đình. Khi năm hết Tết đến mình không nợ nần ai, không phung phí, hoang đàn cả năm để cuối năm có cái Tết chu đáo, tưởng nhớ ông bà, sum vầy cho con cháu. Vì nhiều gia đình, cả năm tiêu xài hoành tráng phung phí, tưởng là giàu có lắm. Nhưng đến cuối năm, không sắp sửa nổi mâm cơm tươm tất cho ông bà, nói chi quà biếu cho bạn bè người thân. Tôi thích câu nói ấy, nó dạy cho mình sự chừng mực, cân đối trong cuộc sống. Đừng lãng phí quá, nhưng cũng đừng ki bo quá.

Ngày Đầu năm:

Nhà tôi có tục lệ như ba tôi nói là: "Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy". Vì thế, sáng ngày mùng một hàng năm, các anh chi, dâu rể đều sum họp về nhà (mà tôi hay gọi là tổ chim lớn). Vì mấy con chim nhỏ này, có chồng có vợ là bay ra riêng. Tôi là trai út, phải ở nhà đó, nói nôm na là ăn hương hỏa ông bà.

Ngày này vui lắm. Mẹ dậy từ 5 giờ sáng, mặc dù tối giao thừa hai mẹ con đi chùa đến hơn hai giờ mới về. Có năm tôi mệt, mẹ bảo: "Ráng đi con. Cả năm chỉ có ngày này". Câu này là hai me con thường dùng động viên nhau khi làm công việc chuẩn bi Tết đấy. Nhưng có năm mẹ tôi mệt, tôi không nỡ nói với mẹ ráng đi mẹ được.

Mẹ nấu thêm món mới, đặc biệt để cúng ngày đầu năm, cũng là hai mâm cơm. Tôi chịu trách nhiệm là bưng đồ ăn lên hai mâm trên phòng khách và thêm ít trái cây tươi được mẹ tôi tỉa khéo léo, đặt lên bàn thờ Phật. Tôi có hỏi vì sao, mẹ đáp: "Cắt ra như vầy Phật dễ ăn hơn con ạ". Bó tay luôn.

Sau đó, các anh chị lần lượt về đến nhà và đến thắp nhang lên bàn thờ. Nhà tôi như cái chợ vỡ bởi lũ cháu nội ngoại. Mẹ trở nên cực kỳ bận rộn, nào chỉ bảo con dâu, hỏi han con cái, bên cạnh đó đám cháu cứ bám lấy bà để xin lì xì.

Xong việc lì xì qua lại, gia đình tôi có một bữa cơm hoành tráng, kéo dài hơn hai giờ đồng hồ. Cả nhà nói chuyện trên trời dưới đất, việc làm, việc học của các cháu, kế hoạch của từng người con, được ba mẹ tôi cố vấn, bàn bạc. Việc dạy dỗ các cháu, ông bà cũng tham gia, góp ý. Sau đó cả gia đình tôi, mười mấy người kéo nhau lên chùa, vui lắm.

Mẹ tôi có năm thì mặc áo dài, có năm thì mặc áo bà ba. Mà công nhận mẹ tôi hợp với áo dài, và áo bà ba, không hợp lắm với đồ kiểu tây, kiểu tàu. Mẹ dẫn đầu đám con dâu, con gái theo sau là bầy cháu, tấp nập đi vô chùa. Năm nào cũng vậy, sư trụ trì quý cái tình, cái không khí của cả gia đình nên đều giữ lại chơi đến tầm khoảng gần 2 giờ là mời thọ trai với chùa. Mẹ tôi là phật tử nên bà hướng con cái đi chùa, đặc biệt là đầu năm đề tâm hồn trong sáng, lòng từ bi và hướng tâm làm việc thiện. Nên bà thích được sư trụ trì, chỉ bảo cho anh em chúng tôi và nhất là đám cháu về đạo pháp, giáo lý, nhất là mặt tinh thần.

Ngày mùng 4:

Sau khi đốt xong mớ vàng mã, áo quần giấy cho ông bà, mẹ tôi bưng mấy ly rượu, nước đổ đều ra sân nhà nói: "Lại hết Tết rồi. Già thêm một tuổi rồi. Ối thế mà nhanh lắm đấy, năm sau lại tết nữa cho mà xem, rồi lại gói bánh nữa đây này". Tôi nghe thế buột miệng: "Trời ơi trời, ở đó mà bánh với trái nữa hả mẹ. Dưới nhà bếp còn cả đống bánh kìa. Chưa biết lấy ai ăn giùm kìa mẹ, còn bày đặc gói với ghém". Nghe thế, mẹ phá lên cười thì mang đi phơi khô con ạ.

Leo Phan

Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không dấu

Gửi những chia sẻ về tết xưa và nay, quê và phố, tết xa phương... tại doisong@vnexpress.net


Tin đã cập nhật trước đó
   Em không muốn vào 'danh...
Em có tình cảm với anh, nhưng em cũng biết anh không phải là người đàn ông tốt - về...

   'Trái tim già cỗi' rung...
Dạo này đến cơ quan anh thấy mình phải chải chuốt hơn. Anh thấy mình phải đổi thay để cho...

   Xin hãy giúp con, 'ngài'...
Con đang say nắng, nói đúng hơn là cảm nặng ngài Valentine ơi. Nhất định ngài phải giúp con mới...

   'Thời đại tân kỳ' của...
Tết xưa toàn đồ tự làm, hì hụi cả tuần gói bánh chưng, ăn kỳ cạch đến quá rằm chưa...

   Xuân tha hương ở xứ...
Năm nay Xuân đến lại tha hương. Lại mong, lại nhớ, lại vấn vương.
Mẹ già nơi ấy hoài trông ngóng....

   Nấu bánh chưng giữa lòng...
Mua được lá nào đã xong. Rửa lá cũng là cả một vấn đề. Mẹ chuẩn bị như đi đánh...

   Ai còn mẹ xin đừng...
Con thấy mình kém may mắn vì chỉ được làm con của mẹ 20 năm, còn nhiều thứ con cần...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top