Mua được lá nào đã xong. Rửa lá cũng là cả một vấn đề. Mẹ chuẩn bị như đi đánh trận.... | |
Tết - trong tôi là hình ảnh bận rộn của bố..., là sự lo toan, tất bật của mẹ..., là tiếng cười nói rổn rảng của lũ trẻ con lẫn trong tiếng nổ đì đùng của tép hồng, tép mơ Bình đà chính hiệu, là mùi thơm của thuốc pháo nơi ngõ nhỏ, là sự hòa quện của củi lửa, khói bếp, mưa phùn, là cái hơi nghi ngút, ngai ngái của nồi bánh chưng nhà ai đang vớt dở, hay đơn giản chỉ là cái mùi thơm nồng, ấm, rất khó tả của mớ lá mùi già tắm tất niên, đang sôi ùng ục trên bếp lửa ngày cuối năm… Đã bảo, dừng lại nhớ Chỉ là tết thôi mà Mỗi cuối năm mỗi về...... Ừ thì, thôi không nghĩ Cũng chẳng nhìn xung quanh Mặc kệ đỏ - vàng - xanh... Sắp Tết rồi! Người lớn ai cũng sợ, nhưng trẻ con lại trông đợi từng ngày. Ngày xưa, hồi còn bé, Tết chỉ lo đốt pháo, đi chơi, nghịch ngợm và xem người lớn chuẩn bị Tết.Trong nhà bận nhất là mẹ. Những ngày giáp Tết mẹ bận lắm nào dọn nhà, đi chợ, nấu nướng… quay cuồng tất bật với hàng trăm thứ việc không tên. Tết nào mẹ cũng bảo “Tết với nhất, năm nay không làm gì hết nhá. No dồn, đói góp méo hết cả mặt” nhưng năm nào cũng vậy, cả nhà ăn đều được ăn Tết với “công thức” gần như là cố định của mẹ. Đầu tiên là nồi bánh chưng. Xong nồi bánh chưng coi như xong Tết! Nhà chỉ có 4 người nhưng mẹ gói cả một yến gạo chưa kể đỗ và thịt. Mẹ bảo gói nhiều thế còn để ăn tới lúc ra giêng, đỡ phải thổi cơm. Ngày xưa bánh chưng có mốc xanh, mốc đỏ thì cũng là chuyện nhỏ như con thỏ. Gọt đi, rán lên thơm phưng phức, thêm mấy miếng dưa hành lại chén tì tì, chẳng ai quan tâm đến hết date, an toàn thực phẩm chi sất. 25, 26, 27 Tết Không khí các nhà đã bắt đầu rậm rịch. Mua lá dong là việc của bố. Năm nào may mắn được mấy bó lá nếp mượt mà, to, xanh đều, mẹ sung sướng cả một tuần. Năm nào không may mấy bó lá vừa nhỏ, vừa rách, mẹ lại cằn nhằn “bố mày lại bị mấy con mụ hàng lá nó lừa”. Mua được lá nào đã xong. Rửa lá cũng là cả một vấn đề. Mẹ chuẩn bị như đi đánh trận. Nào xô, nào chậu, nào mâm, nào giẻ, nào rổ, nào rá lại cả một tấm gỗ dài và một cái ghế gỗ con để ngồi cho khỏi đau lưng. Nhà ở giữa trung tâm Hà Nội, cái thời dân thành phố phải hứng nước theo giờ, có phải muốn rửa lúc nào cũng được đâu, nên mẹ phải chờ lúc thiên thời, địa lợi, nhân hòa mới tiến hành được. Chỉ nhớ dáng mẹ nhỏ thó, ngồi cặm cụi rửa lá trong chiếc áo bông cũ sờn, xung quanh là đống xô chậu lỉnh kỉnh giữa khoảng sân tơi bời gió mùa đông bắc. Khổ nỗi tính mẹ lại sạch, người ta mà rửa 3 lần thì thể nào mẹ cũng phải rửa đến 4, 5 lần, rửa xong chân tay deo lại, lạnh ngắt, lúc ấy mẹ mới thấy hài lòng. Sau này, khi mình đã lớn mẹ nhượng cho quyền rửa lá, làm việc khác nhưng mẹ luôn mồm nhắc nhở: “rửa kỹ vào nhá, không có là thiu bánh của tôi đấy”. Xong đoạn rửa lá, là rước lá, chẻ lạt, nhiệm vụ này mẹ nhờ bà ngoại vì bà chẻ lạt cứ gọi là mỏng hơn cả giấy pờ-lua mà không đứt, còn rước lá thì sát tận sống mà không rách. Sau đó mẹ lau khô rồi buộc tất cả vào tấm gỗ sạch phủ ni lông để đến khi gói lá vẫn tươi lại không bị cong. 28 Tết Việc tiếp theo là ngâm gạo, đãi đỗ. Hình như ngày xưa người ta thường trộn ít sạn vào gạo và đỗ cho nặng cân hơn hay sao ý, nên trước đó cả tuần mẹ đã ra lệnh cho cả nhà ngồi nhặt bằng hết sạn đen, sạn trắng. Vo gạo xong, nước vo không được đổ đi mà tích lại trong xô, chậu để còn ngâm đỗ, ngâm măng. Hai thập kỷ trước đỗ xanh chỉ vỡ đôi chứ không xát vỏ trần hết ra như bây giờ. Tay mẹ cứ thoăn thoắt, nhặt nhặt, hớt hớt, thỉnh thoảng lại vỗ bồm bộp vào thành rá, vô cùng chuyên nghiệp… Sau nửa buổi thì rá đỗ đã vàng óng không còn một vảy xanh. 29 Tết Ngày gói bánh. Cả nhà tất bật, ồn ào, mẹ ra chợ mua thịt từ sớm. Thịt phải là nạc lẫn mỡ thì bánh mới quyện và ngon. Lần nào mua được thịt ưng ý, mẹ hân hoan hẳn, khoe khắp cả xóm. Thịt về, mẹ lo chia thịt, xóc hạt tiêu, tính toán sao cho đủ khoảng ba chục cái, còn đầu thừa đuôi thẹo sẽ dồn vào gói bánh trẻ con. Bà lo xóc gạo, thổi đỗ, giã đỗ, nắm thành từng nắm nhỏ bằng độ nắm tay, để đến khi gói thì cứ một cái bánh là hai nắm đỗ, còn ở giữa là thịt. Khi tất cả đã hòm hòm mẹ chuẩn bị một tấm ni lông to trải lên cái chiếu giữa nhà để bố trổ tài. Sướng nhất là đám trẻ con ăn chưa no lo chưa tới, háo hức ngồi chầu rìa xem gói bánh, rồi bầy bầy, xếp xếp, đếm đếm, tranh thủ nghịch, hau háu chờ đến tận phút cuối, thường là muộn lắm, cho tới khi hoàn thành mấy cái bánh nhỏ mới yên tâm. Khi chiếc bánh cuối cùng được gói xong chắc cũng phải hơn 10h đêm. Mẹ lo dọn dẹp chiến trường, rồi lại lo đánh dấu để bánh chưng nhà mình không được giống bất cứ nhà nào trong xóm vì phải chuyển ra tận tổ phục vụ thuê luộc. Sau này khi tổ phục vụ không còn nữa thì nhà nào nhà đấy phải tự luộc lấy. Những Tết năm ấy bố phải chạy đôn đáo mượn nồi, chuẩn bị củi lửa. Ngày đó nhà nào mà có cái thùng tôn Liên Xô thì cứ gọi là bố tướng. Có năm mượn được hàng xóm cái nồi cũ, đang luộc thì bục đít, gớm cả nhà được phen nháo nhào… Mãi về sau này mẹ mới mua được cái nồi cứ dùng xong là bố phải cọ rửa cẩn thận, chụp ni lông, cất kỹ lên gác cầu thang như báu vật. Củi thì toàn cửa hỏng, bàn ghế cũ, chuồng gà phế thải, nhân cơ hội này được mang ra hóa kiếp. Bếp luộc bánh được kê bằng gạch ngay góc sân. Thích nhất là được canh bánh chưng. Đấy mới là lúc bọn trẻ con hoạt động hết công suất, tranh thủ vùi khoai, nướng sắn, lăn lê bò toài, tay chân lấm lem, mặt mày hồng rực nẻ toác. Cái cảm giác ăn củ khoai vùi nửa sống nửa chín, đen thui, bỏng cả mồm nó mới sung sướng làm sao, thỉnh thoảng lại được nghe tiếng pháo đùng, pháo tép của trẻ con nhà khác ném ra đường lạch tạch giữa đêm khuya. Mùi pháo quện trong mưa phùn nhè nhẹ, lắc rắc… thơm đến dễ chịu và khó tả vô cùng… Khoảng 6h chiều hôm sau bánh được vớt ra trong sự háo hức của cả nhà. Sau khi rửa sạch và ép kỹ bố chọn ra vài chiếc vuông vắn, xanh nhất để bày bàn thờ và biếu các bác trong nhà. Tranh thủ bếp chưa tàn mẹ bắc lên một nồi nước to, thả vào đó mấy mớ mùi già, hò cả nhà xuống tắm “Tất niên”. 30 Tết Mẹ dậy từ sáng sớm tất tả đi chợ rồi làm cơm chuẩn bị cúng Tất niên. Nào thì làm gà, nấu bóng, thổi xôi, ôi thôi cứ phải hơn cả 4 bát 6 đĩa. Cúng xong đến lúc cả nhà ngồi được vào mâm cơm thì cũng phải quá ngọ. Xong xuôi mẹ thở dài đánh sượt, tuyên bố một câu xanh rờn “xong nhiệm vụ, hết Tết!!!” Lúc đấy bố mới vi vu bát phố sắm đào, sắm quất. Còn trẻ con như mình thì xúng xính áo quần chuẩn bị đón giao thừa… Đó hình như cũng là lúc Tết đến gần lắm lắm rồi. Hà Nội 12 tháng Chạp năm Kỷ Sửu GIGO Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không dấu Gửi những chia sẻ về tết xưa và nay, quê và phố, tết xa phương... tại doisong@vnexpress.net |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|