Nghe tiếng cắc một cái là Thương biết xương gãy rồi. Va quệt mạnh là gãy, sưng vù lên như đùi ếch, 2-3 tháng mới lành. Nhưng vì không thích nằm một chỗ nên việc gãy xương là "chuyện thường ngày" của cô gái chỉ cao 80 cm này. | |||||
Trong căn nhà số 13, ngõ 11, Lương Đình Của, Hà Nội, Nguyễn Thị Thu Thương vừa kể chuyện vừa cười, như thể với chị chuyện đó quá đỗi bình thường. Là con thứ trong một gia đình có 4 người con, chị chỉ cao khoảng 80 cm, nặng 15 kg. 27 năm nay, Thương chỉ có thể nằm, không thể đi lại, thậm chí ngay cả xe lăn cũng không thể ngồi vì căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Hồi mới sinh chị được 2,7 kg, hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ tội hơi nhỏ. Thế nhưng, lúc nào thay tã mẹ cũng thấy chị khóc, không hiểu lý do gì. Gia đình đưa đi khám mới biết chị bị bệnh xương thủy tinh - căn bệnh loãng xương khiến cho xương rất giòn, dễ gãy. Đầu Thương ngày một to, nhưng chân tay thì cong vẹo không đi được. Mẹ mời rất nhiều thầy lang về chữa, rồi cho ăn vỏ trứng vì nghĩ giàu canxi... nhưng đều không ăn thua.
Từ đó, thế giới của Thương chỉ xoay quanh trong ngôi nhà nhỏ, tránh né những đứa trẻ khác vì sợ bị va chạm. Vì thế, lần đầu tiên được mẹ đưa đến nhà trẻ khi được 5 tuổi, chị đã rất hào hứng, một thế giới hoàn toàn mới, rất nhiều trẻ vây quanh. Nhưng mẹ thấy đông quá, sợ các bạn ngã vào thì con gãy xương nên lại bế về. Đó cũng là lần đầu tiên, chị nhận ra mình khác biệt như thế nào. Bệnh tật là thế, nhưng nếu ai có dịp ghé căn nhà nơi Thương sống, sẽ thấy cô gái tật nguyền ấy rất hay cười, tiếng cười giòn như pháo rang. Điều giúp cô gái nhỏ nhắn ấy luôn sống vui vẻ chính là chị không bao giờ nghĩ “mình là người khuyết tật. Chị tâm sự: “Nếu nói không bao giờ buồn là nói dối. Cũng buồn đấy, nhưng chỉ ngày một ngày hai lại vui. Không được cắp sách đến trường thì cha, mẹ dạy chữ cho. Mình còn học cả tiếng Anh, đặc biệt rất thích hát nên cha mẹ sắm cho cả dàn loa để hát karaoke”.
Những tưởng cuộc sống của chị sẽ trôi qua như thế: ăn, chơi, học và làm những gì mình thích. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ một buổi trưa cách đây 6 năm.Như mọi ngày, ở trên tầng 2, chị sẽ ngủ đến 2 giờ và đợi bạn đến dạy tiếng Anh, tuy nhiên trưa hôm đó nằm thao thức mãi, chị vẫn không thể ngủ được. Nghĩ ngồi chơi không, đợi đến 2 tiếng thì lâu quá nên chị gọi mẹ bế xuống tầng một chơi. Thấy Thương, một người hàng xóm nói “Thương xuống đây giúp mẹ à, có biết gì không mà giúp”. Chỉ là một câu nói bông đùa nhưng lần đầu tiên, chị đã khóc, tự dưng thấy mình vô tích sự và thương mẹ quá. "Trong khi mẹ cặm cụi đạp máy khâu sửa quần áo cũ cho khách chỉ để lấy 2.000-3.000 đồng, thì mình chỉ biết chơi và đòi hỏi. Lúc tức còn lấy thìa đập vào bát cho đến khi vỡ thì thôi. Mình đã không nghĩ mẹ vất vả đến thế", Thương kể lại. Sau hôm đó, chị quyết tâm học nghề để ít ra có thể tự nuôi sống bản thân. Lúc đầu, bố mẹ không đồng ý vì nghĩ “suốt ngày nằm thế kia thì làm được gì, kiếm được bao nhiêu mà làm”, lại việc đưa con đi lại sẽ làm gãy xương. Nhưng cuối cùng chị cũng thuyết phục được bố mẹ cho đi học cách làm đèn bằng cúc áo ở Trung tâm Vì ngày mai. Và cứ thế, đều đặn tháng 2 lần, bố mẹ chở Thương đi học nghề. Bố chở xe máy còn mẹ ngồi đằng sau bế, phải đi rất chậm, tránh bị xóc. Có hôm trời mưa, hoặc hỏng xe giữa đường, mẹ bế con ngồi trên vỉa hè đợi bố. Những lúc đấy, chị lại càng thấy thương bố mẹ hơn, lại càng quyết tâm phải học cho thành công. Nhờ khéo tay, kiên trì cuối cùng sau 3 tháng, chị đã có thể tự làm ra sản phẩm bằng chính đôi tay của mình. Hơn 20 năm, chưa từng làm ra một đồng nào nên khi cầm trên tay những đồng tiên đầu tiên kiếm được, Thương đã sung sướng nghẹn ngào. Lúc đó, chị nghĩ nhiều hơn đến tương lai, “nghĩ mình sẽ bán hàng thật chạy để giúp bố mẹ có tiền đóng học cho các em, có tiền cất đi để về già cho bố mẹ và mình, có tiền để mở một xưởng để các bạn đến làm việc cùng với mình”. Đó cũng là động lực khiến chị vượt qua những cơn đau nhức mỏi tay, nằm tỉ mỉ khâu những chiếc cúc áo thành cây đèn để bàn, rồi lại đan khăn. “Để làm một chiếc đèn cần khoảng 600 cúc áo và mất 7 ngày, còn đan khăn là 4 ngày. Tính ra mỗi ngày, trừ tiền vật liệu khoảng 70.000 đồng, tự trả công cho mình 20.000 đồng, tính ra mình cũng làm ăn có lãi", chị cười nói. Vẫn chưa hài lòng, thấy "cửa hàng" của mình ít hàng quá, chị nhận cả sản phẩm của các bạn khuyết tật khác về bán như: gối, tranh giấy, khăn móc, áo móc, thiệp chúc mừng. “Nói cửa hàng cho oai thôi chứ thực ra đây cũng là phòng ngủ của mình và cô em gái”, Thương cười nói. "Mới đầu ai biết thì đến mua, có người mua làm quà tặng vì là hàng làm bằng tay, cũng có người mua vì tình thương. Giờ mình có hẳn một trang web để giới thiệu sản phẩm và bán hàng. Có hôm 10 giờ tối, mình vẫn thức bán hàng trên mạng", chị cho biết. Ngoài ra, chị cũng trích 5% trong số tiền bán sản phẩm cho vào quỹ riêng để làm từ thiện. Chị thành lập riêng một đội tình nguyện, tổ chức trao quà cho các em nhỏ ở bãi giữa sông Hồng, cho các em nhỏ bị bại não ở Giáp Nhất (Hai Bà Trưng)... Món quà chỉ đơn giản là chiếc khăn len, áo khoác, một thùng mì tôm, sách vở. Thương tâm sự: “Ước mơ của mình là được làm một người bình thường, có được đôi chân và trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người khuyết tật. Đó là ước mơ trước kia, còn giờ mình chỉ muốn giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh, để có một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Nam Phương |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|