“Chồng ngoại” - hai con chữ vô tri nhưng đã và đang hút hồn biết bao cô gái Việt. Biết rằng tình yêu không biên giới nhưng đi đến hôn nhân là một quyết định ảnh hưởng đến cả đời. | |
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 5.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng Malaysia theo nhiều con đường khác nhau nhưng phần đông là qua môi giới. Bên cạnh điều kiện về xã hội, phong tục, tôn giáo khác biệt, pháp luật Malaysia cũng có những quy định ngặt nghèo đối với các cô dâu nước ngoài và hiện họ vẫn chưa được chính phủ nước này công nhận là công dân chính thức.
Vui năm mới với cộng đồng là ước mong của các cô dâu.
Mong muốn đổi đời
Nga, một cô dâu Việt lấy chồng người Malaysia gốc Hoa, tâm sự: “Chúng em nghĩ rằng lấy chồng ngoại sẽ sướng, sẽ nuôi được gia đình nên mới chấp nhận như vậy. Ở quê cực khổ, con trai thì lên TPHCM kiếm việc hết mà con gái lại có lứa có thì. Nếu lấy được người chồng nào kha khá thì cũng giúp được gia đình chút đỉnh”.
Nga cho biết, từ ngày theo chồng về Malaysia, may mắn là cô được chồng yêu quý và tôn trọng. Nhờ biết tiếng bản địa nên Nga nhanh chóng hòa nhập cộng đồng và tham gia công việc kinh doanh. Hiện cô đã có một công ty riêng, hai vợ chồng cũng có của ăn, của để và có “chút đỉnh” gửi về giúp mẹ.
Còn Vân, một cô dâu Việt khác, cũng có chồng người Malaysia gốc Hoa, cho biết: “Lúc lấy chồng em mong kiếm được chút ít cho gia đình nhưng qua đây mới biết không như mình tưởng. Bọn em cũng phải làm việc mới có ăn. Em còn có công việc chứ nhiều đứa bạn em lấy chồng người Malaysia không được bước ra đường, suốt ngày bị nhốt ở nhà, cực lắm”.
Ly, một cô gái Bến Tre, mới sang Malaysia bằng thị thực du lịch thì nói: “Qua đây chơi với lại cũng xem có ai vừa ý không thì lấy làm chồng. Hôm trước được giới thiệu cho một ông người gốc Ấn Độ nhà giàu nhưng em và ông này không hợp. Ổng chê em không biết tiếng Anh, còn em cũng không thích vì ông ấy… đen thui”. Lời tâm sự của cô bé vẫn còn ngây thơ, đậm chất miệt vườn nghe mà chua xót. Cô có biết đâu rằng nhiều cô bé cũng ở độ tuổi mười tám, đôi mươi như em sẵn sàng chấp nhận làm vợ “cái ông đen thui” để mong sớm được giàu sang.
Cô dâu Việt may mắn tên Nga (thứ 3 từ trái sang)
trong buổi gặp mặt bà con đầu năm 2010 tại ĐSQ Việt Nam tại Malaysia.
Ôm hận nơi đất khách
Tuy nhiên, không phải cô gái nào cũng được may mắn như Nga hay Vân. Nga cho biết Phượng, em gái của cô, lấy chồng người gốc Malaysia. Vì khác biệt về tôn giáo và văn hóa nên từ ngày về nhà chồng, Phượng chịu nhiều nhiều thiệt thòi. Hôm đến nhà Nga, tôi gặp Phượng “trốn chồng” sang thăm chị. Ngồi chưa ấm chỗ Phượng phải xin phép về nhà vì sợ chồng phát hiện. Cô nói: “Ông mà biết em sang đây là chết, vì cho rằng sẽ lây nhiễm những thói xấu của người không theo Hồi giáo”.
Mong muốn kiếm được tiền để gửi về phụ giúp gia đình của nhiều cô dâu Việt không những không thành mà chính họ còn bị gia đình nhà chồng bắt làm việc cực nhọc và bị đối xử tệ bạc. Một số chị em lấy chồng ở khu vực nông thôn thì vẫn không thoát được cảnh “một nắng hai sương” mà chính họ trốn chạy nơi quê nhà. Đấy là chưa kể, cảnh chồng chung, vợ lẽ vì theo luật Hồi giáo, đàn ông có thể cưới 4 vợ. Chính sách đối với cô dâu ngoại hiện nay mặc dù đã cởi mở hơn với việc cấp thị thực có thời hạn một năm trong vòng 5 năm đầu, sau đó được xem xét và cấp thị thực có thời hạn 5 năm, nhưng các cô dâu Việt vẫn không được nhập quốc tịch Malaysia.
“Chồng ngoại” - hai con chữ vô tri nhưng đã và đang hút hồn biết bao cô gái Việt. Biết rằng tình yêu không biên giới nhưng đi đến hôn nhân là một quyết định ảnh hưởng đến cả đời. Và nếu chấp nhận phận làm dâu xứ lạ, hãy trang bị cho mình các kiến thức và ngôn ngữ đầy đủ. Kết thúc cho câu chuyện tìm chồng trên đất Malaysia, cô bé Ly thật thà: “Em thấy ở đây cũng thích, nhiều nhà đẹp, nhiều ô-tô nhưng con người không phù hợp. Chắc em về Việt Nam lấy chồng thôi”.
Theo Vũ My (từ Malaysia) Báo Đất Việt |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|