Vừa đi lớp về, bé Nấm, 4 tuổi (Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) hô to: "Bố ơi, bố tắt đèn giùm con, cao quá con không với nút tắt được. Cô giáo bảo phải tiết kiệm điện, sao nhà mình mở nhiều đèn thế bố?". | |||
Anh Đức, bố bé Nấm cho biết, nhờ cô con gái nhỏ mà gần đây, cả gia đình anh đã học thói quen tiết kiệm điện, nước. Có hôm, thấy nhà ngoài, trong bếp đến toa lét, ban công đều bật đèn sáng choang, Nấm chạy khắp nhà kêu toáng lên: "Bố ơi, mẹ ơi, tắt điện thôi, tắt điện thôi, kẻo ít nữa nhà mình lại không có điện đâu ạ". Hôm khác, khi bố mở vòi nước để rửa tay rồi quên vặn chặt lại, khiến nước vẫn rỉ tí tách, bé cũng nhắc nhở ngay: "Bố phải vặn vòi nước lại chứ, lãng phí quá". Anh Đức cho biết, những lời nói của Nấm thường rất có "trọng lượng" nên được cả nhà tự giác tuân theo. Không chỉ thế, cô bé còn sống rất tình cảm, và đôi khi những cách thể hiện nho nhỏ của con, khiến anh giật mình về sự vô tâm của mình. Có hôm, mẹ đi làm về muộn, hai bố con ăn cơm trước, vừa ngồi đến mâm cơm, bố thấy Nấm chạy đi lấy chiếc bát nữa, rồi vừa gắp hai miếng cánh gà vào đó vừa bảo: "Mẹ thích ăn nhất cánh gà, bố con mình để phần mẹ nhé". "Hồi còn ở với bố mẹ, mình quen được chiều, nên cũng không hay để ý đến người khác. Khi nghe con nói thế, tự dưng mình thấy ngượng quá, bởi mình đã quá vô tâm, vì có khi chẳng biết người thân thích ăn gì và đã bao giờ biết để phần ai cái gì đâu", anh Đức thổ lộ.
Chị Thảo Trang (Thanh Xuân Nam, Hà Nội) thì cho biết, bình thường, chị cũng dạy con phải biết giữ gìn vệ sinh chung như không vứt rác bừa bãi hay phải để đồ trong nhà đúng nơi quy định, nhưng đôi khi, vì vội vàng, hay vì đãng trí mà chính chị làm sai và bị Quỳnh - cô công chúa 5 tuổi của mình - "chỉnh" ngay. "Như hôm trước cho bé đi lăng Bác, con vừa hút sữa xong, mình cầm hộp để ở ngay ven đường, thế là nhóc lên tiếng ngay: 'Mẹ ơi, sao mẹ không để vào thùng rác'. Mình bảo 'quanh đây chẳng có chỗ nào để rác, mẹ để tạm đây rồi cô vệ sinh nhặt hộ cũng được', nhưng con bé không chịu mà cầm lấy hộp sữa bỏ lại vào túi nilong và bảo tí nữa gặp thùng rác sẽ cho vào", chị Trang kể lại "bài học" tuần trước. Theo lời chị, ở nhà, Quỳnh cũng được bố đặt cho biệt danh là "cảnh sát" vì hay "tuýt còi" mỗi lần bố quăng đồ bừa bãi hay hút thuốc lá. "Cũng nhờ con bé mà anh xã nhà mình bỏ dần được thuốc đấy", chị Trang khoe. Chị kể, chồng chị nghiện thuốc lá khá nặng. Mấy lần anh định bỏ nhưng không dứt được. Một hôm, cô con gái đi học về chạy nhào vào ôm lấy bố: "Bố ơi, bố đừng hút thuốc lá nữa, con yêu bố lắm, con không muốn bố chết sớm đâu". Cả nhà đang ngơ ngác không hiểu gì thì cô nhóc mếu máo: "Hôm nay cô giáo bảo ai hút nhiều thuốc lá là sẽ bị ung thư và chết sớm, cả mẹ và con ở cạnh bố cũng sẽ bị bệnh. Bố đừng hút nữa bố nhá". Chị Trang cho biết, sau đó, Quỳnh còn bắt bố ngoắc tay hứa là sẽ không hút thuốc nữa, và nếu làm sai thì sẽ con gái sẽ không thơm bố nữa và bố sẽ không được ngủ cùng hai mẹ con. Không chỉ nói vậy, hôm nào bố đi làm về Quỳnh cũng ra ngửi miệng bố xem có mùi thuốc lá không. Ai cho kẹo, cô nhóc còn để dành cho bố "để bố ăn cho đỡ thèm thuốc". "Chẳng biết vì 'chiến dịch' bắt bố cai thuốc sát sao quá hay vì cảm động mà anh xã đã hút ít hẳn. Còn mình cũng học được một bài học: Làm gì phải đến nơi đến chốn và nếu thuyết phục bằng sự quan tâm thì sẽ hiệu quả hơn nhiều việc chỉ trích hay chỉ nói suông", chị Trang thổ lộ. Chị Nhuận (phố Hoàng Mai, Trương Định, Hà Nội) lại học được cách phải kiềm chế cảm xúc và tập thói quen "nói sao phải làm vậy" từ cậu con trai lên 4 của mình. Chị kể, chị hay dạy con phải nói năng lễ phép, không được nói trống không và khi chơi với bạn thì nhất định không được đánh bạn. Cậu bé khá bướng bỉnh và cũng nhiều lần không nghe lời khiến chị bực bội, quát ầm lên, hay tét cho con mấy cái vào mông. Một lần, sau khi bị mẹ "xử" như thế, cậu nhóc quay sang bảo mẹ: "Mẹ ơi, thế con không được nói trống không với người khác, không được đánh bạn, còn mẹ thì được đánh con và nói trống không với con ạ?". Lúc này, chị Nhuận đành nhẹ giọng: "Ừ thì tại lúc đấy con làm mẹ buồn và bực quá. Mẹ làm thế cũng là sai, mẹ xin lỗi con". Chị Nhuận cho biết, mỗi lần vợ chồng chị có chuyện bất đồng, giận dỗi, lỡ nói cộc lốc với nhau thì cũng bị cậu con "sửa lưng" ngay và nhờ thế mà hai người chú ý hơn đến lời ăn tiếng nói với nhau và cách cư xử với con. Dành rất nhiều tình cảm trìu mến trong những trang viết cho hai đứa con của mình, anh Ngọc Phan (Đồng Nai) cũng từng thổ lộ trên blog: "Chính các con đã dạy cho ba biết sống tốt hơn". Trên trang mạng, anh Phan kể, một lần, khi cả gia đình đi du lịch, tới nơi, dù đã hơn 10 giờ đêm, cậu con trai 4 tuổi của anh vẫn một mực đòi được gọi điện về cho cô giúp việc và bà để "mọi người yên tâm". "Lúc đó, ba chạnh lòng nhớ, không biết bao nhiêu lần ba đi công tác, chưa khi nào ba có ý thức gọi điện thoại về báo tin cho bà nội là ba đã xuống máy bay an toàn", anh Phan thổ lộ. Còn cô con gái mới 9 tuổi lại "dạy" cho anh bài học về tính tiết kiệm và biết nghĩ đến người khác. Anh kể, khi lên lớp 3, dù bộ đồ thể dục của năm trước đã ngắn cũn và rách cả một lỗ ở đầu gối nhưng cô bé vẫn vui vẻ mặc và nhất định không mua bộ mới khi mẹ dẫn đi chọn đồ và bảo rằng: "Mua bộ mới làm gì cho tốn tiền, bộ này con vẫn mặc tốt mà". Thỉnh thoảng, con gái anh còn lo lắng hỏi rằng bố mẹ có vất vả quá không khi nuôi cả hai chị em đi học trường dân lập. "Nhiều khi ba đã chi những khoản tiền lớn rất vô bổ, rất ngông cuồng, không băn khoăn gì cả. Mẹ và các con chắc là không biết. Và ba xấu hổ lắm con gái ạ!", anh Phan tâm sự trên trang blog. Theo một chuyên gia giáo dục, tâm hồn trẻ thơ rất nhạy cảm và trong sáng. Bố mẹ là những người thày đầu tiên, dạy các em về cách sống, cách nhìn cuộc đời. Nhưng đôi khi, chính sự trong sáng, ngây thơ và tấm lòng nhân hậu thuần khiết của trẻ nhỏ lại "dạy" người lớn những bài học vô cùng quý giá, mà nếu không lắng lại, không quan tâm và thực sự biết lắng nghe con em mình, chính bạn sẽ để phí. Vương Linh |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|