Lương công nhân mỗi tháng 1,5 triệu, song chị Hoàng phải chi gần 800.000 đồng cho đứa con 3 tuổi đang học mẫu giáo. Thông tin học phí năm nay tiếp tục tăng khiến người mẹ trẻ quặn ruột lo lắng. | |||||
Chị Kim Hoàng, công nhân giày da ở Khu chế xuất Linh Trung 2, quận Thủ Đức, TP HCM cho biết, nếu theo đúng tuyến thì con chị học trường mẫu giáo công lập gần nhà. Tuy nhiên do trường này không nhận học sinh bán trú nên chị phải xin cho bé học ở trường mầm non dân lập Hoa Mai với lý do “hai vợ chồng đi làm cả ngày, không cho học bán trú thì không có ai trông cháu. Với lại cho nó học ở gần chỗ tôi làm để tiện đưa đón”. Gia đình chị Hoàng ở Thanh Hóa vào Nam lập nghiệp từ năm 2002. Anh làm nghề chở xe ba gác, thu nhập mỗi ngày hơn 100.000 đồng, song việc lúc có lúc không, nhất là từ khi có lệnh cấm xe tự chế, công việc của anh càng trở nên khó khăn hơn. Cũng kể từ đó, mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của chị. Đã vậy thời gian gần đây khi đứa con trai đầu lòng đến tuổi học mẫu giáo, vợ chồng chị phải chi thêm một khoản gần 800.000 đồng 'hiển nhiên' mỗi tháng để đóng học phí, phí ăn uống, mua đồng phục, dụng cụ học tập ... cho con. Nhìn về năm học mới sắp đến, chị Hoàng ngao ngán: "Mới hôm trước nghe nhà trường thông báo học phí năm nay sẽ còn tăng nữa, vợ chồng tôi đang không biết phải tính thế nào đây. Nhiều lúc tôi định nghỉ làm để ở nhà trông cháu nhưng nghĩ rồi lại thôi vì giờ không đi làm thì lấy gì mà ăn".
Gia đình anh Trần Huy Lượng, quê Sóc Trăng lên thành phố tạm cư đã hơn 8 năm nay. Cả hai vợ chồng anh đều làm công nhân công ty may quốc tế Thắng Lợi với tổng thu nhập mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Hiện anh chị sống cùng hai đứa con trong một căn nhà xập xệ được thuê với giá 600.000 đồng một tháng tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Ngày nào cũng vậy, hễ không đi học thì hai đứa con anh Lượng học lớp 3 và lớp 5 đều đi bán vé số hoặc lượm ve chai để kiếm tiền phụ bố mẹ lo khoản phí đóng học. Anh Lượng tính, mỗi năm riêng chi phí học hành cho hai đứa con đã ngót 14 triệu đồng nào là học phí, học phụ đạo, đồng phục, sách giáo khoa, dụng cụ học tập... khiến gia đình anh càng chật vật hơn. “Năm nào giáo viên chủ nhiệm cũng gửi giấy mời về nhà mắng vốn vì khoản học phí chưa đóng. Tôi phải chạy vạy khắp nơi mượn bợ để lo cho con rồi hai vợ chồng cố gắng tằn tiện trả dần. Cầm cự nhiều năm nay nhưng ngày càng thấy đuối, đã vậy lại nghe nói học phí năm nay còn tăng thêm vài trăm nữa mà rùng mình. Nhiều khi nghĩ cũng tủi thân, không cho con học thì sau này chúng lại khổ như cha mẹ, mà cứ tiếp tục theo đuổi con chữ thì cám cảnh quá”, anh Lượng kể khổ. Mặc dù gần đến mùa tựu trường nhưng anh Lượng vẫn chưa mua được gì để chuẩn bị cho hai con. Nói chuyện với con, anh Lượng chỉ khuyên hai đứa cố gắng tận dụng đồng phục, dụng cụ học tập cũ cho năm học tới để tiết kiệm khoản chi phí sắm sửa đầu năm. Còn anh tranh thủ đến nhà những người bạn để xin sách giáo khoa và cặp học sinh mà cũ. "Tôi chỉ mong học phí năm nay chưa tăng để còn hy vọng lo cho tụi nhỏ chứ không thì găng lắm", anh nói.
Tại cửa tiệm bán sách giáo khoa cũ trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5, VnExpress.net có dịp trò chuyện với chị Liên, nhân viên thu ngân của một công ty nhà nước đang cùng cậu con trai út chọn mua những quyển sách mà học sinh khác bán lại với giá rẻ. Chị cho biết: “Sách mua lại cũng còn mới lắm. Nếu một bộ sách thế này mới tinh cũng tồn gần 200.000 đồng nhưng mua lại chỉ 50.000 đồng, cũng tiết kiệm được khoản đáng kể đấy”. Hai đứa con chị đang học lớp 2 và lớp 7 ở một trường bán công tại quận 5. Trung bình mỗi tháng gia đình chị phải chi trên 4 triệu đồng cho các con đóng học. Riêng năm nay, tuy chưa nhập học, song số tiền mua sách giáo khoa, vở, cặp, bút, quần áo mới... cho 2 đứa cũng ngót 2 triệu đồng. “Thu nhập hàng tháng của tôi và ông xã cộng lại mới được hơn 7 triệu nên cả nhà phải tiết kiệm dữ lắm để cho các cháu ăn học. Vậy mà năm nay cái gì cũng tăng giá, cả học phí cũng cao hơn, trong khi lương công chức chỉ nhích chút đỉnh làm vợ chồng tôi lo quá, giờ đang không biết sẽ lấy khoản nào bù vào đây”, chị bộc bạch. Anh Quyền, quận 3 cũng đi mua sách cũ cho con tỏ vẻ lo lắng: “Mới mua sắm vài thứ linh tinh cũng đã hết 800.000 - 900.000 đồng rồi. Giờ lại hồi hộp chờ xem mức học phí mới ra sao. Năm nào cũng như thế này chắc có ngày phát bệnh tim luôn quá”. Theo tính toán của anh thì mỗi cuốn vở cỡ trung đã có giá 5.200 đồng, sắm 20 cuốn cho hai đứa con tốn trên 100.000 đồng. Riêng khoản sách giáo khoa, nếu may mắn mua được bộ sách cũ cũng tốn hơn 200.000 đồng, rồi cặp mới, đồng phục mới... gộp lại cũng đến tiền triệu. “Nhưng dù sao dụng cụ tập vở chưa đáng lo, hồi hộp nhất là các khoản đóng đầu năm như tiền trang bị cơ sở vật chất bán trú, học ngoại khóa, rồi một số khoản linh tinh khác, nhất là tiền quỹ hội phụ huynh học sinh mới căng”, anh Quyền nói. Một số phụ huynh khác thì tỏ vẻ lo lắng khi ở vài trường thu học phí cao hơn nhưng chất lượng dạỵ và học lại dậm chân tại chỗ. “Nếu tăng học phí mà chất lượng giáo dục vẫn như cũ thì người thiệt vẫn là dân thôi. Như năm ngoái trường cũng tăng các khoản thu đấy nhưng trang thiết bị dạy học bị hư có thay đâu. Bảo là đóng tiền để nâng cao chất lượng giảng dạy, không biết thực hư thế nào nhưng hàng tháng gia đình tôi phải chi thêm cả triệu bạc cho thằng con đi học thêm ở nhà cô giáo đấy”, chị Thuận, cán bộ đoàn quận 9 góp lời. Ngoan Ngoan |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|