Chán vì quan hệ mà vợ cứ như cái xác không hồn, mặc chồng muốn làm thì gì làm, Long (35 tuổi, Hà Nội) cũng đi "đổi gió" bên ngoài. Nhưng dù thế, chưa bao giờ anh có định bỏ vợ mà chỉ coi đó như một món lạ cho cuộc sống gia đình. > / | |
Lấy vợ được 6 năm, có một cô con gái đầu lòng nhưng càng ngày Long càng thấy hôn nhân của mình buồn tẻ. Sinh ra trong một gia đình nề nếp, vợ anh là cô gái mà bất cứ chàng trai nào cũng muốn lấy về làm vợ, ngoan hiền, đảm đang. Chỉ một điều duy nhất anh có thể phàn nàn là chị quá "nhạt" trong chuyện ấy, không nồng nhiệt, hững hờ, làm việc ấy như một nghĩa vụ. "Cô ấy lúc nào cũng chú tâm vào bếp núc, nấu những bữa thật ngon cho chồng con thế nhưng lại không chú ý gì đến hình thức, trang phục lên giường. Có khi mặc nguyên cả bộ quần áo làm bếp đi ngủ, không khác gì cái 'nem rán... trên giường'", anh Long chia sẻ. "Thích thì đi tìm của lạ bên ngoài nhưng chả mấy thằng đàn ông nào hâm lại bỏ vợ đi theo người tình cả, nhất là khi đã có con, có sự nghiệp. Vợ vẫn là vợ, đi thế kia chỉ để thỏa mãn nhu cầu kia thế thôi", Long chia sẻ. Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, không chỉ riêng anh Long mà nhiều người trong xã hội hiện nay, đặc biệt là nam giới, tìm đến ngoại tình như một cách để bảo vệ sự tồn tại của gia đình khi mà họ không muốn hoặc chưa thể ly dị. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Với người Việt Nam, gia đình không chỉ là tình yêu, tình dục mà còn là con cái, trách nhiệm. Sự thiếu vắng tình yêu và không hòa hợp tình dục thường phải xếp sau con cái, danh dự của bản thân, gia đình và đặc biệt là sau sự ổn định về kinh tế. Ly hôn bị cho là "mất" nên phần lớn các cặp vợ chồng đều chịu đựng để "được" gia đình, con cái và danh dự. "Vì thế, nhiều người cho rằng nếu sống mà không hợp về tình yêu, tình dục thì có thể 'dạo chơi bên ngoài', không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Họ coi nhu cầu, sự thỏa mãn tình dục cá nhân không dính dáng gì đến sự bền vững của gia đình", tiến sĩ Hồng cho biết. Nghiên cứu về đời sống tình dục của người Việt Nam do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện cũng cho thấy những luận điểm tương tự. Nghiên cứu được tiến hành trong 4 năm (2003-2007), với sự tham gia của gần 300 người từ 15 đến trên 65 tuổi, ở 4 tỉnh, thành là Hà Nội, Hà Tây cũ, TP HCM và Cần Thơ. Theo đó, anh Xuân Phong, 42 tuổi, giám đốc một công ty tại Hà Nội tham gia nghiên cứu cho rằng: "Mình nghĩ ngoại tình là bình thường. Có thể một phần vì trong cuộc sống có những cái không hợp nhau, có những cái có thể nói với người tình mà không nói với vợ được. Ngoài ra cũng có khả năng không hòa hợp trong vấn đề tình dục nữa". Nhiều người cũng cho rằng nếu tình dục không được thỏa mãn thì việc đi ngoại tình có thể chấp nhận được. Lư, 20 tuổi, ở Hà Tây chia sẻ: "Em nghĩ chuyện đấy cũng bình thường thôi. Họ ở với nhau mà không hòa hợp, họ đi ngoại tình thì cũng không có gì là sai cả. Nếu như thế người chồng cũng phải tha thứ và người chồng cũng phải chấp nhận". "Ngày nay nhiều người 'nhắm mắt làm ngơ', chấp nhận chuyện ngoại tình vì lý do này, lý do kia nếu gia đình ấy vẫn được duy trì. Thế nhưng, họ lại sẵn sàng lên án, chỉ trích nó một cách gay gắt nếu vì chuyện ngoại tình mà vợ chồng ly dị, phá vỡ gia đình", tiến Hồng cho biết. Tuy nhiên theo tiến sĩ, việc lý luận rằng đi ngoại tình là để gìn giữ gia đình là sai, là bao biện. Gia đình ngày nay được xây dựng dựa trên sự tự nguyện từ cả hai phía, tình yêu. Vậy thì tại sao cả hai không thử cố gắng thay đổi, đặc biệt là đời sống tình dục của mình, nếu không muốn ly dị. "Tình dục quan trọng cho cuộc sống của vợ chồng. Vì thế, cần có thái độ nghiêm túc của cả hai người, không nên coi nó là xấu xa, không đáng để thảo luận. Cặp vợ chồng trao đổi mới là cặp vợ chồng hạnh phúc. Nói về tình dục không phải dễ mà cần phải học, học kỹ năng cải tạo đời sống tình dục, thông qua sách báo, câu lạc bộ, trung tâm tư vấn...", chuyên gia khuyên. "Nếu quan niệm về gia đình không thay đổi, quan hệ giới không được cải thiện thì tôi sợ rằng tình trạng ngoại tình ngày càng tăng. Tôi không phải cỗ vũ cho việc phá vỡ gia đình, nhưng hãy suy nghĩ đến gia đình theo cách khác, đúng nghĩa", tiến sĩ Hồng nhận định. Phương Trang * Tên nhân vật đã được thay đổi. |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|