Vô tình đọc đoạn chát của chồng với bạn, chị Nhài suýt té ngửa khi thấy anh xã khoe mình từng “ăn phở” nhiều lần và chọn toàn các em “ngon”. Dù biết tỏng chàng chỉ nói phét cho oai, nhưng chị Nhài vẫn khó chịu vô cùng. > | |
Chị Nhài, y tá tại Sóc Sơn, Hà Nội, kể, ngay từ khi yêu, chị đã biết anh Thành có tính hay khoe, nhưng phải đến khi nên vợ nên chồng, chị mới biết “bệnh” này của anh thực sự nặng. Chồng chị rất thích sai bảo, quát mắng vợ khi có người nhà ở quê lên hay bạn bè tới chơi. “Những lúc ấy, mình cũng bực lắm, nhưng cố nhịn vì giữ chút thể diện cho chồng, với lại, mình biết thừa, nếu lỡ bị vợ cãi lại trước mặt mọi người, thể nào anh ấy cũng đỏ mặt tía tai và sau đó có khi giận vợ cả tuần. Nhưng nhiều khi, thấy mọi người vừa khen chồng, vừa cười mỉa mình cũng xấu hổ thay”, chị Nhài kể. Có lần đi liên hoan cùng nhóm bạn của chồng, chị chết lặng khi nghe anh hồn nhiên ngồi kể từng đi bia ôm, massage và được các em út phục vụ tận tình ra sao. Dù biết tính chồng không trăng hoa và chẳng ưa gì chốn đèn mờ, nhưng chị Nhài vẫn giận tím ruột. “Biết anh ấy chỉ bốc phét thế cho oai, nhưng cũng lo một ngày nào đó chồng có thể sa ngã, nhất là chỉ cần bạn bè rủ rê và khích bác vài câu”, chị Nhài nói. Điều khiến chị khổ tâm nhất là dù hai vợ chồng đều làm công ăn lương, thu nhập chỉ đủ sống, nhưng đi đâu anh cũng khoe khoang là có nhiều mối làm ăn ngoài, kiếm khá lắm. Mỗi lần về quê, anh bắt vợ con phải ăn mặc thật đẹp, rồi mua đủ thứ quà cáp biếu người nọ, người kia. Gần đây, không biết nghe ai mách, anh còn đi học lái xe rồi thuê xe tự lái đưa vợ con về với vẻ mặt rất hãnh diện, trong khi chị Nhài xót ruột vô cùng vì khoản tốn kém vô ích này. Cũng có ông chồng thích oai, chị Quyên (Long Biên, Hà Nội) lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng vì anh xã tiêu xài vô độ để thể hiện bản thân trước mặt người ngoài, trong khi vợ lúc nào cũng phải chạy từng đồng. Chị từng thất vọng vô cùng biết anh xã nói dối về chuyện bằng cấp sau hơn một năm lấy nhau. Hồi yêu, chồng chị mới tốt nghiệp trung cấp kế toán, nhưng lúc nào cũng nói với vợ mình đã học xong cao đẳng, chuẩn bị liên thông đại học. Cưới rồi mới biết chuyện, chị Quên vờ như không hay để chồng khỏi “quê’. “Việc anh ấy nói bốc lên hoặc nói không thành có, cốt cho oai, giờ mình chẳng để ý nữa vì quá nhàm rồi, có điều, vì sĩ diện mà chồng mình chẳng chịu kiếm cái nghề ổn định mà làm, lại hay thích tiêu hoang, nên mấy mẹ con mình khốn khổ”, chị Quyên thổ lộ. Sau khi cưới, vợ chồng chị được bố mẹ chồng cho một số tiền lấy vốn làm ăn, thì anh mang hết đi mua ô tô, trong khi công việc thì bấp bênh. Chị khuyên chồng dùng chiếc xe để chở khách hay cho thuê kiếm thêm thu nhập thì anh đùng đùng nói: “Cô nghĩ tôi là ai mà đi làm thằng lái xe!”. “Cũng vì cái xe này mà nhà mình lao đao. Anh ấy lấy tiền từ cửa hàng tạp hóa của mình để khao hết người này đến người kia, mà mỗi lần tốn cả tiền triệu, trong khi vợ phải đi vay để đóng tiền học cho con. Một bữa nhậu của chồng bằng tiền ăn của mấy mẹ con cả tháng, nhưng hễ mình cứ mở miệng nói thì chồng lại trách: ‘Đúng là đầu óc đàn bà, người ta phải tạo mối quan hệ thì sau này mới dễ làm ăn chứ!’". Thế nhưng, lấy chồng 5 năm rồi, Quyên chưa bao giờ thấy "mối quan hệ" của chồng giúp được gì và chồng cũng chẳng thấy có mối nào làm ăn cho tử tế. Chuyên gia tư vấn Nguyên Hương, đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP HCM thừa nhận không ít bà vợ từng than phiền về nỗi khổ có ông chồng quá sĩ diện. Tuy nhiên, nhà tâm lý cho rằng, sĩ diện không phải là “đặc quyền” của các quý ông mà nhiều quý bà cũng có tính này. Tuy nhiên, những nam giới thiếu tự tin, sợ bị lép vế trước người khác, sợ bị coi thường, hay có biểu hiện đó hơn. Người Trung Quốc có câu “Người nghèo thích đeo vàng” để chỉ những người thích thể hiện, dù không có, kiểu như “thùng rỗng kêu to”. Những người này hay ra vẻ ta đây, thích khoe khoang tiền bạc, tỏ ra uy quyền (trước mặt vợ) nhưng thực chất trong lòng họ lại trống rỗng, luôn sợ bị người khác qua mặt. Thường họ thiếu cái gì thì sẽ cố tỏ ra mình có cái đó. Bà Nguyên Hương dẫn chứng, có một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới trên loài khỉ từng cho thấy: Theo kết quả xét nghiệm nước tiểu các con khỉ trong một đàn khỉ, thì những con hay gây sự, hung hăng là những con ở tầng bậc thấp nhất và có chỉ số hoóc môn stress cao, trong khi chỉ số hạnh phúc lại rất thấp. Bà Hương cho rằng những người đàn ông luôn thích ra oai với vợ thường lại là những người có mặc cảm thua kém vợ. Những người này thường sống phụ thuộc vào thái độ của người khác, vào dư luận, ít có chính kiến của bản thân. "Nếu trót lấy phải ông chồng kiểu này, tốt nhất, người vợ chớ cãi cọ đôi co với chồng trước mặt người khác, nhưng cũng không nên chịu đựng. Lúc chỉ có hai vợ chồng, chị em có thể nhẹ nhàng góp ý, phân tích", bà Hương nói. Nghệ thuật nói chuyện là không chỉ trích, mà nói về thiện chí của mình và ‘nửa kia’. Chẳng hạn: "Em biết là anh luôn muốn mọi người biết anh là trụ cột gia đình, vợ chồng mình rất hòa thuận, yêu thương nhau, nhưng nếu trước mặt mọi người anh cứ sai khiến, quát nạt em, họ sẽ nghĩ em là người vợ kém cỏi, nhu nhược quá và qua đó lại đánh giá không hay về anh. Em không muốn thế…”. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, đồng thời với việc dần dần góp ý giúp chồng khắc phục tính này, người vợ cũng cần khéo léo biết giữ tiền để lo cho gia đình, phòng khi đấng mày râu vì muốn thể hiện cái sĩ diện của mình mà quên cả cuộc sống thường nhật của vợ con. Vương Linh |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|