Ăn cơm tối xong, thấy chồng sắp ra ngoài, Quỳnh dặn dò: “Anh nhớ mang chìa khóa, 11-12h đêm đừng có gọi em dậy mở cửa”. Trước đây, vì tật ham chơi khuya của chồng mà Quỳnh cương quyết đòi ly hôn; nhưng bây giờ thì cô thấy không còn căng thẳng nữa. | |
Hồi mới đặt chân về nhà chồng, Quỳnh sốc nặng vì anh xã ham bạn ham bè đến 1-2h sáng. Quỳnh gọi di động đến thế nào, chồng cũng không nghe máy hoặc có nhấc máy, chỉ cộc lốc: “Ngủ trước đi. Lát nữa mới về được”. Ức chồng, nhiều đêm không ngủ được, Quỳnh toàn thắp đèn ngồi chờ, có khi, cô còn xuống dưới nhà, mở cổng rồi bồn chồn ngóng chồng. Nhắc nhở nhiều thì chồng chỉ “ậm ừ” cho qua chuyện mà cãi vã thì Quỳnh bị chồng nổi khùng lên, tháo nhẫn cưới, ném vào mặt.
“Vài lần đòi chia tay nhưng không thành, giờ thì cứ để chồng được tự do. Miễn là anh ấy không gái gú, rượu chè, cờ bạc quá đáng” - Quỳnh tâm sự.
Cùng cảnh ngộ, Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) cả chục lần viết đơn ly hôn, đòi chồng ký rồi không đủ can đảm nộp vì mỗi lý do chồng mê game, không chịu ngồi chơi ở nhà, mà nhất định đòi ra quán cho có không khí. Minh kể, trong suốt 6 tháng đầu sống chung, vợ chồng tranh cãi không biết bao nhiêu lần. Cô còn giữ cả xấp đơn ly dị không thành trong ngăn bàn làm việc.
“Giờ, có con nhỏ, chồng cũng bớt ham game hơn. Không thể bỏ hoàn toàn nhưng chơi có giờ giấc. Những lúc không chơi thì giúp vợ trông con nên mình thôi không cằn nhằn, cãi vã nữa” - Minh cho biết.
Học cách sống chung với tật xấu
Những mâu thuẫn nảy sinh trong khoảng thời gian đầu sống chung thường là do chưa thống nhất được lối sống của đôi bên. Có rất nhiều tật xấu ở chồng mà trước khi cưới, người vợ không thể nào phát hiện ra như lười biếng, thích đi chơi, đàn đúm…
Khi đã kết hôn, người phụ nữ thường có trách nhiệm hơn với tổ ấm. Họ có thể từ bỏ thói quen vui chơi, la cà để lo cơm nước, nhà cửa nhưng đàn ông thì không như vậy. Nhiều anh thích sống tự do; thậm chí, cưới được vợ rồi thì còn khao khát vùng vẫy, đi chơi nhiều hơn. Hơn nữa, do chưa quen với trọng trách làm chồng, làm trụ cột trong gia đình, không ít anh chồng lúng túng và chỉ biết vùi đầu vào vui chơi, mặc vợ trách móc.
Vấn đề là thời gian sẽ giúp vợ chồng hòa nhập với nhau. Người vợ cũng dễ dàng chấp nhận một số tật xấu của chồng như thích chơi game, ham tụ tập… Bởi vì, nếu đã say sưa với thứ gì, thì việc bắt chồng từ bỏ nó là điều rất khó khăn. Đây chính là mấu chốt của những cuộc cãi vã trong gia đình, khiến người chồng khó chịu vì bị vợ kiểm soát, còn người vợ không chịu nổi, chỉ muốn bỏ chồng.
Trong hoàn cảnh này, cần nhất là khéo léo và bình tĩnh. Vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau giờ nào dành cho bản thân (chồng chơi game, vợ có thể xem tivi), giờ nào dành cho gia đình… Nếu hết thời gian, vợ chồng cùng nhắc nhở nhau để quay về với công việc chung. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là vợ chồng trẻ thường có cái tôi quá cao, người vợ lại quá kỳ vọng vào chồng (cứ nghĩ được chồng chăm chút, nâng niu như khi cưới) mà không lường trước thực tế, bản thân phải chăm sóc cho chồng nhiều hơn. Cảm giác hụt hẫng và thất vọng khiến vô số người vợ muốn bỏ chồng hoặc hối hận vì lấy người đàn ông này làm chồng.
Nhưng nếu biết cảm thông, thay đổi cách nghĩ (chồng hay vợ đều có điểm xấu khó khắc phục), tôn trọng và trao đổi với nhau khi có mâu thuẫn thì những trận cãi vã như thế sẽ giảm dần.
Theo Ngọc Bình Mẹ và bé |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|