Ra trường được 5 năm, dường như sở thích độc thân Phong lấy làm mục tiêu. Anh thường rêu rao nhậu nhẹt với bạn bè thâu đêm, sáng dậy đi làm trong bộ dạng phờ phạc. | |
Thứ Năm, 03/11/2011 - 10:46
Khoảng cách
(Dân trí) - Ra trường được 5 năm, dường như sở thích độc thân Phong lấy làm mục tiêu. Anh thường rêu rao nhậu nhẹt với bạn bè thâu đêm, sáng dậy đi làm trong bộ dạng phờ phạc.
Phòng anh có thể nói là “trung tâm” ăn nhậu - nơi tụ tập của các đấng mày râu xem bóng đá, cà phê và nhậu. Từ cái ngày lên được chức trưởng phòng, anh sắm sửa đồ đạc thật hoành tráng. Anh bảo: “Hồi sinh viên mài kinh nấu sử khổ rồi, giờ phải sướng chứ”. 5 năm vật lộn với công việc, anh không tích luỹ cho mình một đồng xu nào để phòng khi trái gió trở trời, đừng nói là làm giàu! Nghĩ một thân một mình nên tiêu pha hay “vung tay quá trán”, thế mà đùng một cái Phong điện bảo tôi: “Tao sắp cưới vợ”.
Ừ thì cưới vợ, việc mọi đàn ông phải làm để thiết lập một gia đình và làm trụ cột của cái gia đình nhỏ bé đó. Sắp đến ngày cưới, Phong chạy đôn chạy đáo vay tiền để chuẩn bị cho những nhu cầu cá nhân và của hai vợ chồng. Nào là tiền đặt nhẫn cưới, tiền chụp ảnh, tiền áo quần… Chạy vạy mãi, cuối cùng cũng phải đến nhờ những người bạn một thời ăn nhậu be bét với nhau, mỗi người một ít để chuẩn bị cho cái lễ đời người có một này. Hôm nhận tiền từ tay những người bạn chí cốt, anh mới hay cuộc đời vô thường thế này đây!
Nhớ lại cái thời sinh viên, ăn cơm theo lương của “Utachi” (mẹ chu cấp), một tháng 500 ngàn, sống thiếu thốn, luôn đói vào những ngày cuối tháng thế mà vẫn kinh qua để ra trường. Có những ngày hết nhẵn tiền, ăn mì tôm mãi cũng chán. Phong và tôi thường rủ nhau lên Chùa ăn cơm Phật, tuy nhiên để lên đến Chùa thì phải đi xe đạp bằng một đoạn đường khá dài, thay nhau chở để “kiếm cơm”. Nhớ lại cái thời khắc đó thật khó khăn nhưng rất vui vẻ, vô tư. Giờ có công việc, lương cũng kha khá, Phong cũng tiêu tiền theo kiểu “sinh viên”, cứ đến giữa tháng hoặc may mắn lắm cuối tháng là đói, ngóng tiền lương như hồi nhỏ ngóng mẹ đi chợ về.
Cưới xong, hai vợ chồng thuê căn phòng trọ nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí, mọi thứ phải sắm sửa thêm. Mọi chi tiêu của Phong đều được vợ “lập trình” lại theo chiều hướng cắt giảm tối đa. Lương tháng đầu tiên vợ anh lấy hoàn toàn rồi mỗi ngày phát cho anh một ít trên cơ sở nhu cầu ăn sáng, cà phê và thuốc lá. Vợ lên cho anh một tiến độ bỏ thuốc lá thật hài hước. Ban đầu ra yêu sách “bỏ em hay bỏ thuốc?”, yêu sách này bị bác bỏ vì thuốc lá là “người tình” lớn nhất của Phong. Vợ anh đành thua ngậm ngùi và đưa ra quy trình bỏ thuốc khác bằng cách chi tiền hút thuốc ít lại và cho Phong nhai kẹo cao su. Với Phong, mọi việc dường như mới bắt đầu, kể cả lối sống “thắt lưng bóp bụng”.
Vợ có thai, Phong chăm sóc và lo lắng như lo người ốm. Anh bỏ thuốc lá (rất có thể bỏ hút ở nhà thôi, ra quán thì không?), bỏ quên những cuộc nhậu nhẹt hội hè cùng bạn bè. Thế rồi em bé ra đời, Phong lao vào công việc để kiếm thêm thu nhập, rời cơ quan là về nhà chăm sóc gia đình. Thỉnh thoảng gặp anh trông bộ dạng ủ rủ và mệt mỏi: “Lấy vợ sinh con mà hai bàn tay trắng đúng là nhọc thật, chẳng biết ngày xưa ông bà nuôi mình sao nữa, nhưng giờ mình mới hiểu được một phần. Đúng là có nuôi con mới biết lòng cha mẹ” Phong bảo thế khi gặp tôi vào buổi tối ở cửa hàng bán thực phầm, nơi Phong làm thêm.
Hôm vừa rồi bạn bè ngồi uống cà phê bảo nhau: “Chưa chuẩn bị đủ điều kiện thì chưa lập gia đình, không thôi khổ lắm”. Tôi ngồi nhớ lại hình ảnh của Phong thời chưa vợ và lúc đã có con. Đúng là có một khoảng cách rất lớn, đó là khoảng cách từ chỉ sống cho mình đến biết sống cho người khác.
Tốn Phong |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|