Có bao giờ bạn tự hỏi “liệu mình đã bị nhiễm HIV chưa?”. Với riêng tôi thì câu hỏi ấy đã dằn vặt trong nhiều năm trời.
Vợ chồng tôi từng sống và làm việc ở châu Phi gần ba năm. Vào thập kỷ 90, khi ở Việt Nam mới chỉ có những ca nhiễm HIV đầu tiên thì căn bệnh thế kỷ này đã khá phổ biến ở châu Phi. Mang nước da sáng hơn người bản xứ, chúng tôi được bệnh nhân và bạn đồng nghiệp tin tưởng, tất cả những bệnh nhân không có chuyển biến tốt đều được chuyển sang phòng chúng tôi. Hầu như tất cả những bệnh nhân mà tôi nghi ngờ gửi đi làm xét nghiệm đều trở về với kết quả HIV (+). Những bệnh nhân khác tuy không có triệu chứng AIDS nhưng ai có thể đảm bảo rằng họ không mang vius ấy.
Vậy mà cả tôi và chồng tôi vẫn không tránh khỏi lâu lâu lại bị kim bẩn đâm vào ngón tay. Làm trong ngành y, chuyện bị kim đâm vào tay cũng như làm ngành giáo dục bị bụi phấn bay vào mắt vậy. Hồi đó chưa có chế độ điều trị dự phòng khi có nguy cơ lây nhiễm nên chúng tôi chỉ biết nặn máu, rửa tay bằng xà phòng và cồn rồi sống trong lo lắng.
Chúng tôi trở về Việt Nam nhưng câu hỏi “liệu mình đã bị nhiễm HIV chưa?” cứ lẩn quất đâu đó trong đầu. Mặc dù vậy, tôi không đủ can đảm để đi làm xét nghiệm. Tôi rất sợ nhỡ kết quả là dương tính thì tôi làm sao mà sống nổi quãng đời còn lại, rồi mọi người sẽ nhìn nhận tôi như thế nào và cuộc sống của gia đình tôi sẽ ra sao.
Cho đến khi có bầu đứa con thứ hai, tôi vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh khủng khiếp ấy. Rồi tôi sinh con và xét nghiệm HIV là một xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh. Tôi trút được một gánh nặng của bao nhiêu năm trời khi biết rằng kết quả xét nghiệm của mình là âm tính.
Vậy mà nỗi lo sợ vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ tôi. Bảy năm sau khi sinh con, chồng tôi ốm và cần phải phẫu thuật. Xét nghiệm công thức máu của anh là tờ xét nghiệm đầu tiên mà tôi có trong tay và tôi đã thực sự choáng: cả ba dòng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu đều giảm rất nặng. Anh bác sĩ quen nói với tôi rằng chồng tôi có khả năng mắc phải một trong ba chứng bệnh: lao, ung thu hoặc HIV/AIDS.
Sợ hãi lắm nhưng tôi xin bác sĩ cho chồng tôi làm lại xét nghiệm công thức máu và cả xét nghiệm HIV nữa. Đêm ấy tôi đã có một đêm trắng không hề chợp mắt. Ngày hôm sau tôi cùng chồng đi làm xét nghiệm sớm. Tôi hồi hộp chờ đợi kết quả và trút được một nửa hơi nhẹ nhõm khi nhìn thấy công thức máu của chồng mình trở lại bình thường (thì ra hôm trước xét nghiệm bị sai). Nhưng tôi đã phải chờ thêm vài ngày nữa mới trút được một nửa hơi còn lại khi biết xét nghiệm HIV của anh cũng âm tính.
Cuộc mổ của chồng tôi chưa kết thúc, tôi đã đưa bệnh phẩm đến bệnh viện K để xét nghiệm tế bào ung thư. Vài ngày sau đó, khi nhận kết quả “không có tế bào lạ” tôi chỉ muốn ôm lấy người xét nghiệm viên mà cảm ơn.
Sau đó, công việc của tôi đã cho tôi cơ hội để gần gũi với những con người đặc biệt, những người đang sống với HIV. Rồi một tai nạn nghề nghiệp đã khiến tôi gắn bó với một người phụ nữ nhiễm HIV, và rồi từ người phụ nữ đầu tiên ấy tôi đã trở thành bạn của những người phụ nữ khác cũng có chung một cảnh ngộ.
Gần gũi với những con người không may mắn này, tôi càng hiểu mình đang được hưởng một ân huệ đặc biệt của cuộc sống. Dù cho tôi có từng gặp bao nhiêu khó khăn gian khổ thì những điều tôi đã trải qua cũng chẳng thể so sánh được với những gì mà những người phụ nữ vẫn bị cả xã hội xa lánh và kỳ thị nặng nề kia đang phải chịu đựng. Chính vì vậy, mỗi lần có dịp đi công tác vào TP HCM hay Vũng Tàu tôi thường có thêm những cái hẹn đặc biệt mà tôi chỉ có thể đi một mình. Đó là thời gian tôi giành cho những con người đang âm thầm chịu đựng một số phận nặng nề cùng với loài virus gắn liền với bao nhiêu mặc cảm và khổ đau, virus HIV.
Bác sĩ Phan Bích Thủy
Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không dấu