Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
300 bà nội trợ cùng hiến kế chi tiêu hợp lý
Lập sổ để cân đối nguồn thu chi, chỉ mua những thứ thật cần thiết, kiềm chế bản thân trước những cám dỗ của hàng hóa, tinh giảm các dịch vụ làm đẹp xa xỉ... là những kinh nghiệm nhiều bà nội trợ chi tiêu tiết kiệm trong gia đình.
300 bà nội trợ cùng hiến kế chi tiêu hợp lý Lập sổ để cân đối nguồn thu chi, chỉ mua những thứ thật cần thiết, kiềm chế bản thân trước những cám dỗ của hàng hóa, tinh giảm các dịch vụ làm đẹp xa xỉ... là những kinh nghiệm nhiều bà nội trợ chi tiêu tiết kiệm trong gia đình.

Ý kiến được gần 300 bà nội trợ sống các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, quận 11 (TP HCM) nêu lên trong buổi hội thảo “Quản lý chi tiêu gia đình” được Hội phụ nữ TP HCM, báo Phụ nữ Việt Nam và Home Credit Việt Nam tổ chức trưa 24/12.

Phân tích nguyên nhân khiến chi luôn vượt thu, 89% bà nội trợ có mặt trong buổi hội thảo cho rằng sai lầm chủ yếu là do người chi tiêu không lập kế hoạch chi và quản lý nguồn thu hợp lý. Phần lớn chị em phụ nữ vốn giữ vai trò "tay hòm chìa khóa" lại chỉ biết số thu mà ít khi tính đến số chi.

Hơn 90% số người bày tỏ: "Thói quen mua sắm quá độ, mua đồ đạc không cần thiết, mua không kiềm chế là nguyên nhân khiến gia đình nhiều lần rơi vào tình trạng bội chi, thiếu thốn, thậm chí nợ nần".

Lập bản thu chi chi tiết là điều cần thiết để các gia đình cân đối nguồn thu và chi. Ảnh: Thiên Chương

Từ thực tế trên, các bà nội trợ đưa ra những hướng cách chi tiêu hợp lý nhất cho gia đình.Khoản chi tiêu đầu tiên được các chị quan tâm chính hai tờ hóa đơn phải thanh toán hàng tháng là điện và nước. Đây được xem là hai nhu cầu bắt buộc dễ khiến người nội trợ phải "méo mặt", "lắc đầu" vì ngán.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tiết kiệm điện, trước tiên phải hạn chế sử dụng các thiết bị ngốn điện như máy lạnh, máy hút bụi, bàn ủi, tủ lạnh hoặc nếu có sử dụng thì phải chọn những thiết bị tiêu thụ điện năng thấp.

"Tốt nhất không sử dụng điện trong những giờ cao điểm. Sử dụng các thiết bị ít tiêu hao điện như bóng đèn huỳnh quang; tắt ngay các thiết bị không dùng. Ủi quần áo không quá 2 lần một tuần cho đủ đồ mặc và tuyệt đối không nên ủi bộ nào mặc bộ đó. Tránh ủi quần áo giờ cao điểm. Không nên mở máy lạnh cả đêm", chị Ngọc, nhà ở quận Tân Bình nói.

Về tiết kiệm nước, nhiều ý kiến cho rằng, nên tắm bằng vòi sen vì cách này ít tốn nước hơn hứng nước vào xô rồi tắm. Rửa rau cũng nên dùng cách ngâm nước muối vì vừa sạch hơn và ít tốn nước. Giặt quần áo thì nên chờ khối lượng đồ dơ vừa phải, tức không nên giặt quá nhiều hoặc quá ít. Điều quan trọng là phải yêu cần các thành viên trong gia đình tắt ngay vòi nước khi không sử dụng. Cũng có thể tái sử dụng nước xả quần áo để làm nước lau nhà…

Về thực phẩm dùng trong ngày, chị Bảo Thy nhà ở Gò Vấp khuyên chị em nên đi chợ sớm để mua hàng tươi ngon hoặc đi chợ đầu mối để mua hàng giá sỉ. Với nhu yếu phẩm thì nên mua trong siêu thị bình ổn giá, kết hợp mua cùng với nhiều người để mua giá sỉ, khi chia nhỏ ra giá thành sẽ giảm hơn.

Có kinh nghiệm gần 20 năm làm nội trợ, bà Hảo nhà ở Phú Nhuận thì cho rằng, chị em nên tìm hiểu để chọn nơi bán giá rẻ nhất ở gần khu vực mình sinh sống mà mua vì theo bà, cùng sản phẩm nhưng có nhiều nơi bán rẻ hơn nơi khác.

Hối hận vì nhiều lần cứ vào siêu thị là vơ hết đồ ưa mắt, chị Yến nhà ở Gò Vấp khuyên các bà nội trợ không bị nghiện đi siêu thị vì "đã vào rồi thì nhìn gì cũng muốn mua". Thêm nữa, vào đây các chị thường bị khuyến mãi quảng cáo chiêu dụ nên mua nhiều hơn nhu cầu thực.

Cũng theo chị Yến, người cầm tiền chi tiêu nên ghi chi tiết những thứ cần mua và mua đúng, đủ, không dư. Khi có nhu cầu, cũng nên chờ một thời gian thay vì mua ngay các mặt hàng đang sốt nên giá cao.

Về các nhu cầu không bắt buộc, chị Đặng Hồng Thúy, ngụ tại quận Tân Bình cho rằng, giữa các món đồ cùng một chức năng sử dụng nhưng giá cả khác nhau như điện thoại, tivi... thì gia đình phải cân nhắc sao cho phù hợp với nguồn thu.

Một số ý kiến khác cho rằng, thay vì gặp gỡ bạn bè tại nhà hàng thì nên nấu nướng tại nhà cho đỡ tốn; thay vì bỏ tiền chữa bệnh thì nên giữ gìn sức khỏe để không bị bệnh; chỉ đi dự tiệc cưới với những người thật thân. Và đặc biệt, các ông chồng nên không rượu chè, gái gú; các bà vợ thì giảm làm shopping, spa...Riêng việc nuôi con, các bà mẹ cho rằng chưa hẳn sữa đắt tiền là chất lượng cao cho nên bố mẹ cần cân nhắc. Trẻ lớn nhanh nên không mua quá nhiều quần áo cùng một lúc vì như thế sẽ phung phí vì bé nhanh chóng không mặc vừa.

Chọn loại thức ăn vừa đủ chất dinh dưỡng vừa phù hợp với túi tiền giúp các bà nội trợ tiết kiệm. Ảnh: Thiên Chương

Với vai trò là một người nội trợ, MC ca sĩ Quỳnh Hoa cho rằng, điều cần thiết nhất để cân đối chi thu là mỗi nhà đều phải có sổ chi - thu.

"Với gia đình tôi, sổ chi thu không những giúp tôi cân đối nguồn chi với nguồn thu trong tháng, mà còn để so sánh mức chi giữa tháng này với tháng kia. Chỉ cần thấy tiền điện tháng sau cao hơn tháng trước, tôi lập tức nhắc nhở các thành viên trong gia đình cân chỉnh", Quỳnh Hoa nói.

Cũng theo Quỳnh Hoa, việc dạy con trẻ biết tiết kiệm là điều không thể không thực hiện. "Nên so sánh kiểu 'nếu con đòi thứ đó, cả nhà ta phải nhịn đói suốt ngày mai', để trẻ thấy điều mình đòi là quá đáng và không đòi nữa", Quỳnh Hoa nói.

Người dẫn chương trình cũng cho rằng, ngoài tiết kiệm chi, thì việc lập sổ tiết kiệm hoặc tìm cách tăng thêm nguồn thu cho gia đình cũng là cách tốt để giúp chi không bị vượt thu.

Lấy câu chuyện cậu bé lớp 9 trường Trần Văn Đang, Tân Bình, phụ bán bún riêu để dành được 21 triệu đồng tiền xu từ năm lớp 5 để mua máy tính, Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy thuộc Học viện hành chính TP HCM cho rằng, đừng bao giờ coi thường những số tiền nhỏ lẻ. "Nếu còn tiền thừa, thay vì nghĩ đến việc tiêu xài xa xỉ, các bạn nên gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng hoặc để ống heo đất", bà Thúy nói.

Riêng việc tích lũy thêm nguồn thu, bà Thúy khuyên đừng từ chối làm thêm, tăng ca hoặc làm thêm các công việc gia công trong giờ nhàn rỗi. Cuối cùng, theo thạc sĩ Thúy, để giữ mức thu hơn chi, các thành viên trong gia đình phải tránh xa cờ bạc, trai gái và cũng không nên tham gia các hình thức tích lũy không hợp pháp như hụi hàng, cho vay kiếm lãi.

Thiên Chương

Mời bạn chia sẻ kinh nghiệm quản lý chi tiêu hiệu quả trong gia đình về doisong@vnexpress.net


Tin đã cập nhật trước đó
   Tập làm “Phu Nhân”
Chồng em là trưởng khoa của bệnh viện tỉnh, chuyên môn giỏi và có nhiều mối quan hệ với giới...

   Nhà có hai người phụ...
Chồng tôi mất khi thằng Quân còn nằm trong bụng mẹ. Tôi sinh con một mình giữa bộn bề khó...

   Cuối cùng tôi cũng nhận...
3 năm vợ chồng, thời gian tôi gần anh chưa được 3 tháng. Nhưng điều đáng sợ nhất là tôi...

   Màn cầu hôn lãng mạn...
“Hi nấm lùn, anh biết hơi lập dị nhưng em đừng bỏ sót đoạn nào nhé...”, Timothy Tiah Ewe Tiam...

   Khi bà ngại trông cháu
“Con gái tôi 10 tháng, chưa bao giờ cháu được bà nội pha cho bình sữa hay thay cho cái...

   Người cha bạo hành cả...
Thường xuyên đánh đập vợ con, thậm chí trấn nước vợ, hôm ấy Phạm Văn Lý nhậu say, rút dao...

   Mắc lừa môi giới osin...
Mất gần một triệu đồng cho bà môi giới mới tìm được cô giúp việc ưng ý, nhưng vài tháng...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top