Trong những cuộc vui bất tận của các ông chồng, họ khó chịu nhất là nhận được tín hiệu của “ngan già” ở nhà. Họ thường giải thích nhăn nhó: Ngan già gọi đấy! | |
Thứ Ba, 07/02/2012 - 10:18
“Ngan già”
Trong những cuộc vui bất tận của các ông chồng, họ khó chịu nhất là nhận được tín hiệu của “ngan già” ở nhà. Họ thường giải thích nhăn nhó: Ngan già gọi đấy!
Chị có biết sau lưng chị, chồng chị vẫn gọi chị là ngan già không?
Tôi biết chứ!
Đó chỉ là cách gọi vui vì ông đàn ông nào cũng thỉnh thoảng gọi vợ như thế. Nhưng tôi vẫn muốn khai thác sâu một chút cảm giác của chị khi biết chồng mình gọi mình là ngan già?
Tôi thấy thương cho mấy ông đàn ông chê vợ già, vợ xấu. Biểu hiện nhẹ nhàng nhất là gọi vợ với cái tên con ngan già. Ngày nào các ông chả nói xấu vợ, lắc đầu ngán ngẩm vì vợ sau lưng, nhưng về nhà thì chăm sóc và cưng chiều vợ con. Cứ thử bảo các ông ấy bỏ vợ con, giống như bỏ một con ngan già để tìm một con ngan trẻ xem có bao nhiêu ông dám làm?
Tôi thương cho các ông cứ so sánh giữa “ngan già” và “ngan trẻ”. Vì ở cái thời phong độ cũng như tất cả các điều kiện của các ông chỉ phù hợp với ngan già thì hãy chấp nhận điều đó. Kiếm “ngan trẻ” đâu phải dễ. Mà đã “phi công già” kiếm “ngan trẻ” kiểu gì chả khập khiễng. Hơn nữa, ở đời, chê cái gì mà cứ phải chung sống với cái đó thì thật đáng thương. Đã chê thì không dụng, mà đã dụng thì đừng chê. Mỗi thứ đều có những thế mạnh riêng.
Mà trên đời làm gì có con “ngan” nào mãi trẻ, mãi đẹp, mãi thu hút đâu. Tôi cũng đã từng là một con “ngan” trẻ với đầy vệ tinh theo đấy.
Nói gì thì cũng không thể phủ nhận phận “ngan già”, ở một độ tuổi nào đó. Quan điểm của chị như thế nào khi ở trong độ tuổi so sánh với ngan già?
Tôi chấp nhận cái tuổi ngan già của mình, không thể làm khác đi được. Tôi không thể bóng lộn như một bà đồng bóng để mong hồi xuân. Trong cuộc sống, có thể coi đó là sự công bằng.
Ngan già có nhiều ý nghĩa trong cách gọi đó. Phàm cái gì vượt thời gian thì đều khó “nhá”. Thịt ngan già có dai nhưng ngọt sâu; xương ngan già cứng, khó gặm; ăn thịt ngan già khó chịu nhưng khó ngán. Có người thích thế này, có người thích thế kia chứ.
Cái tuổi thì không thể chối cãi được. Nếu nói ngan già trong trường hợp vui vui thì các ông sẽ không bị khép tội. Nhưng nói ngan già với thói miệt thị thì các ông coi chừng. Cho dù phụ nữ có bị khô cứng, xấu xí, bẳn gắt khi già thì các ông cũng phải nhìn vào đó mà tự xấu hổ. Không người phụ nữ nào xấu trên đời, chỉ có những người quá vất vả nên bị biến thành con ngan già xấu xí bất đắc dĩ. Những điều đó minh chứng cho sự hi sinh vì gia đình, vì chồng, vì con. Ai đó nói họ không biết chăm sóc bản thân là nói bạc. Tôi tôn trọng những chị em phụ nữ ngan già kiểu đó.
Ở khía cạnh khác, ngan già thể hiện sự chín chắn về tuổi, kinh nghiệm sống và sự cao tay trong đời sống vợ chồng. Những cô gái trẻ thường ngưỡng mộ mấy ông “phi công già” nhiều tiền, từng trải, thành đạt, như chồng tôi là một ví dụ, nhưng các cô ấy không hiểu rằng: để ông ấy có những điều đó thể hiện với các cô thì phía sau có một ả “ngan già” đang làm chủ tình thế.
Đâu nhiều người ý thức được phận “ngan già” và làm chủ tình thế như chị. Đặt giả thiết ngược lại: nếu chị là một phi công già, chị có chê một con ngan già không?
Điều đó không nói trước được. Có thể lúc đó tôi không ở trong hoàn cảnh ngan già, tôi sẽ có cái nhìn, quan điểm khác khi tôi là một con ngan già. Nói thế nào đi chăng nữa, không ở trong một hoàn cảnh tương tự thì khó lòng hiểu hết những nỗi lòng của người trong cuộc.
Bóc tách giữa sự khách quan và sự chủ quan ích kỷ thì tôi cho rằng, đàn ông kêu ca về con “ngan già” ở nhà cũng có phần đáng thông cảm. Đây là tôi nói trên cơ sở tôi thoát khỏi sự ích kỷ cá nhân nhé, còn bình thường tôi vẫn có cảm giác khó chịu với quan điểm phân biệt “ngan già” hay “ngan trẻ” của các ông chồng.
Phụ nữ có ngán “phi công già” không? Có chứ! Chỉ có điều sự phản ứng của các bà vợ thường tế nhị hơn các ông chồng. Hơn nữa, trong tâm của mỗi người, chấp nhận sự “xuống cấp” một vài mặt của người bạn đời. Sống với nhau mới thấy hết cái nguyên lý: chê bai, thông cảm, chấp nhận, yêu thương nhau.
Chị giải thích rõ nguyên lý chị vừa nêu ra được không?
Có gì đâu! Trẻ thì có những lỗi chê vì không trải nghiệm, không chín chắn. Tôi nói về cái thời ngan trẻ với phi công trẻ ấy. Rồi những xích mích nhỏ nhỏ, tích tụ thành lớn lớn; rồi lại thông cảm và bỏ qua, vui vẻ. Cứ thế cuộc sống trôi đi. Và chúng ta học cách chấp nhận.
Lấy ai, ở với ai cũng có những cung bậc, những giai đoạn thế.
Người vợ, người chồng có thể nói về nhau theo cách không hài lòng ở một thời điểm. Nhưng cuối cùng, số người yêu thương nhau, hiểu nhau theo năm tháng nhiều hơn số người gặp trục trặc không thể cứu vãn. Cứ cho rằng tôi lạc quan thái quá, nhưng theo tôi mọi chuyện là như thế.
Chị sẽ nói gì với các chị em “ngan già” khác?
Ai chẳng phải là “ngan già”. “Ngan già” còn may đấy. Vì có những người là con khác già thì còn tệ hơn (cười). Mình “ngan già” sẽ có những “phi công già” tương ứng, chị em cứ tự tin mà sống thôi. Ngan già chỉ là cách nói vui. Chỉ có những ông chồng dại dột mới đi tìm “ngan trẻ” để rồi hơn một lần ngắm “ngan già”.
Cảm ơn chị! Theo PLXH |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|