Trưa hè. Đường quê im ắng trong cái nắng oi nồng. Vậy mà tất cả chợt mát rượi khi tiếng rao “Ai... xu xa” lanh lảnh.
Dưới bóng dừa, gánh xu xa của chị được vây bọc bởi trẻ con và cả người lớn. Nhiều khi chị chỉ dừng lại một chỗ thôi là gánh xu xa hết nhẵn. Chị tươi cười, quày quả quang gánh về nhà để một lát sau lại “Ai... xu xa” ở một xóm khác.
Đã nhiều năm rồi tôi vẫn không sao quên câu ca mà trai làng thường hay ghẹo chị: Xu xa ít vốn nhiều lời/Anh về bỏ vợ trao đời cho em.
Bắt đầu từ tháng hai âm lịch cho đến cuối hè là mùa xu xa. Theo những cơn nồm ngoài khơi thổi về, những bè rong biển cũng dập dềnh vào lộng. Người ta vớt rong lên (quê tôi gọi là rau câu), đem về “giặt” sạch hoặc ngâm trong nước cơm, để qua đêm rồi phơi khô làm nguyên liệu nấu xu xa.
Cho rau câu vào nồi, đổ nước vừa ngập rau, bắc lên bếp lửa riu riu và khuấy cho rau nát nhừ. Trút nồi rau vào túi vải, ép lấy nước. Khi nguội hẳn, nước rau đông lại thành xu xa. Giờ thì thắng đường với ít gừng giã nhỏ làm nước chan.
Trưa, đám trẻ làng thường lận lưng vài nghìn đồng chỉ để chờ chị “Ai... xu xa”. Nhìn đôi tay thoăn thoắt, từ lúc mở nắp xoong lia một nhát dao vào nồi, đến khi miếng xu xa nằm gọn trong chén chỉ trong chớp mắt cũng đủ thích rồi. Tiếng dao xén xu xa chạm vào bát sành nghe lách cách thật vui tai. Nước đường được chị rưới nhẹ nhàng vào chén xu xa từ cái gáo làm bằng đốt trúc nhỏ xíu, quây thành những vòng tròn đồng tâm rất khéo. Nên có thể nói người ăn xu xa “ăn” cả những thao tác lành nghề của chị.
Ăn xu xa, “ăn” cả câu hỏi đầy vẻ chăm sóc của chị: “Có lạt không mấy đứa? Chị thêm chút đường nghen”. Mười đứa thì cả mười đều... ăn gian, húp hết nước đường trong chén để được chị chan thêm.
Ăn xu xa, nghe trong cái ngọt lành mát dịu là ít gừng cay lẫn mùi rong biển. Đấy là vị quê nhà pha chút xa xăm, để có cớ cho anh học trò ở phố về “khoe chữ” với chị, nói xu xa mà hóa thật gần.
Ăn xu xa, “ăn” cả ánh trưa long lanh trong chén từ tàu dừa rớt xuống. Ăn xu xa, “ăn” cả gió từ chiếc nón của chị nhẹ nhàng quạt mát cho những khuôn mặt đỏ lừng vì nghịch nắng của lũ trẻ đường quê.
Bởi thế, dù xu xa nhà tự nấu cũng ngon nhưng người quê vẫn cứ thích gánh “xu xa đường làng” của chị. Mới hay, cái sự ăn ngon cũng thật lắm điều.
Mùa xu xa từ khi nào đã lắng trong tâm thức quê làng. Đám trẻ năm ấy giờ khôn lớn, đi tứ tán thành người phương xa mang nỗi nhớ xu xa. Ước một lần dưới bóng dừa loang lổ nắng, được nghe lại tiếng rao “Ai... xu xa” xao động những trưa hè.
Trần Cao Duyên