“Anh có đồng ý lấy người phụ nữ này làm vợ không? Chị có đồng ý lấy người đàn ông này làm chồng không? Sau đây tôi xin tuyên bố anh và chị là vợ, chồng của nhau. Trước khi ký giấy kết hôn, xin mời anh, chị tham dự buổi tư vấn kỹ năng và kiến thức về sức khỏe sinh sản, kỹ năng làm cha mẹ và những điều các anh, chị quan tâm...”
Đó là phần đầu tại một trong những buổi lễ đăng ký kết hôn cho thanh niên được tổ chức tại UBND phường Hà Lầm, TP Hạ Long (Quảng Ninh).
Anh Thành, lái xe taxi và chị Loan, nhân viên khách sạn (cùng sinh năm 1987), sinh sống tại phường Hà Lầm, hồi hộp khi nắm tay nhau tới UBND phường dự buổi lễ đặc biệt.
Anh Thành kể: “Giờ nghĩ lại ngày được tham gia buổi lễ cuối năm 2011, cả hai chúng tôi vẫn ngập tràn hạnh phúc. Ngày vui của mình lại có cả lãnh đạo phường, đội ngũ tư vấn. Vợ chồng tôi mời những người thân trong gia đình đến dự lễ. Sau đó, với sự chứng kiến của mọi người, chúng tôi cùng ký giấy kết hôn”.
Còn chị Loan thì chia sẻ, chị thường xấu hổ khi trao đổi về tình dục với cha mẹ và họ cũng tránh nói nội dung này với con cái. Nhưng nhờ đội ngũ tư vấn, chị được trang bị kiến thức cơ bản về tình dục, giải đáp những bỡ ngỡ trong mối quan hệ với gia đình nhà chồng. Nhờ thế, chị tự tin với cuộc sống vợ chồng.
Sau buổi lễ, cô dâu, chú rể được tặng cẩm nang chuẩn bị cuộc sống hôn nhân và cuộc sống gia đình.
Anh Thành và chị Loan (phường Hà Lầm, thành phố Hạ Long) vui mừng nhận Giấy đăng ký kết hôn. Ảnh: Gia đình.net.vn. |
Lễ đăng ký kết hôn được xây dựng từ ý tưởng của cán bộ dự án “Tăng cường tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào làm mẹ an toàn, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thực hiện quyền sinh sản”, do Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phối hợp với Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam triển khai.
Năm 2008, chương trình bắt đầu được thí điểm tại 4 xã, phường thuộc 4 tỉnh Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An và Cần Thơ.
Anh Phạm Văn Phương và chị Hà Thị Trà My là một trong những cặp đôi được tham dự lễ đăng ký kết hôn đầu tiên tại UBND phường Phú Hậu, thành phố Huế. Chị Trà My cho biết, trước ngày lễ, vợ chồng còn được làm các xét nghiệm về HIV/AIDS, tư vấn nhóm máu, tính cách để chung sống hòa hợp với nhau.
Đến tháng 5 này, dự án kết thúc nhưng ngoài 4 tỉnh thí điểm, lễ đăng ký kết hôn được mở rộng tới hàng trăm phường, xã tại nhiều tỉnh thành cả nước.
Đặc biệt, những lãnh đạo xã vừa là đội trưởng đội cung cấp thông tin, đồng thời sắm vai chủ hôn tác thành cho các cặp đôi ngày ký hôn ước.
Chị Phạm Thị Minh Nguyệt, phó chủ tịch phường Hà Lầm (thành phố Hạ Long) được mời làm đội trưởng đội cung cấp thông tin mô hình đăng ký kết hôn lồng ghép tư vấn sức khỏe sinh sản, tình dục.
Đội có hơn chục người gồm cán bộ tư pháp, bí thư đoàn xã, cán bộ phụ nữ, công chức, viên chức phường.
“Tôi vô cùng bỡ ngỡ trước những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, tình dục, kỹ năng làm dâu, làm rể... mà các giảng viên dự án truyền đạt. Sau nhiều ngày tập huấn và tập đi tập lại kịch bản cho buổi lễ đầu tiên, chúng tôi mạnh dạn thực hiện”, chị Nguyệt kể.
Theo chị Nguyệt, ý nghĩa trang trọng của lễ đăng ký kết hôn và lồng ghép tư vấn kiến thức cho các cặp vợ chồng trẻ góp phần làm giảm tỷ lệ ly hôn tại các địa phương tham gia dự án.
Từ một phường thí điểm, năm 2011 tại Quảng Ninh mở rộng đến 6 xã, phường với gần 90 buổi lễ đăng ký kết hôn cho hơn 350 cặp vợ chồng.
Từ năm 2008 đến nay, tại 4 tỉnh, thành có hơn 470 buổi lễ trao giấy đăng ký kết hôn cho 1.528 đôi nam nữ. Sự thay đổi nhận thức của thanh niên tăng rõ rệt sau 4 năm thực hiện từ năm 2008 đến 2012. Mô hình lễ đăng ký kết hôn là sáng kiến trong quá trình thực hiện dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình do Chính phủ Luxembourg đầu tư kinh phí thông qua Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA). |
(Theo Tiền Phong)