Cây anh đào hay cherry (Prunus avium) thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae), chi Mận mơ (Prunus), cùng với các loài đào, mận, mơ. Cây anh đào dại có mặt ở châu Âu từ thời đại đồ đá mới, như các khai quật khảo cổ đã khám phá. Mùa thu hoạch trái là vào khoảng cuối tháng 5 và giữa tháng 8, từ khi trổ hoa, kết trái cho đến chín là 45 ngày.
Là một loại trái có vị ngọt nên chứa nhiều calorie, nhưng cũng là nguồn chất xơ và vitamin tốt. Ngoài 81,1% nước thì anh đào còn có các vi lượng như potassium, magnésium, phosphor, calcium, sodium, đồng, sắt và kẽm tương đối cao và đạt kỷ lục về hàm lượng bêta-caroten, nhiều vitamin nhóm B, D, E, PP và rétinol.
Anh đào hiện có hai loại: ngọt và hơi chua. Loại ngọt, nhiều nước được dùng tươi, kết hợp với các món salad, món tráng miệng hay sốt; còn anh đào chua thường được ngâm trong nước đường, làm mứt, bánh, làm thức uống và có tính năng chống ô xy hóa gấp 5 lần loại ngọt do có thành phần phénolic cao. Chủ yếu là acid phénol và flavonoid, mà từ đó qua các nghiên cứu, người ta nhận thấy chiết xuất từ anh đào chua có vai trò đáng kể trong việc ngăn ngừa tiểu đường dạng 2; khả năng làm co giãn mạch và ức chế các gốc tự do; có tính nhuận trường nhẹ; ức chế tế bào ung thư ruột kết. Cuống anh đào cũng được dùng để nấu nước uống trong các trường hợp viêm đường tiết niệu, tiểu són, gút và chướng nước.
Theo tạp chí Cuisine A-Z, anh đào ngon thì vỏ phải bóng mọng còn nguyên cuống thật xanh. Đừng chọn trái cứng và vỏ mờ xỉn. Tùy theo giống mà anh đào có thể có màu đỏ tươi hay đỏ tía. Anh đào chua do khó bảo quản sau khi hái nên ít được bán tươi, chỉ có loại đóng hộp, khô hoặc đông lạnh. Anh đào có thể bảo quản trong tủ lạnh không quá một tuần. Khi sử dụng, nên lấy ra ngoài trước 30 phút và chỉ rửa vào lúc gần ăn, để tránh bị ủng.
Lưu ý: Đối với một số người, trái anh đào tươi có thể gây dị ứng vùng miệng và gây ngứa họng, hắt hơi, hen suyễn.
Minh Quân