Ảnh minh họa: Forbes.com. |
5 tháng nay, từ ngày chồng thất nghiệp, gia đình chị Thỏa chẳng mấy bữa được cơm lành canh ngọt.
Hơn năm trước, chồng chị xin nghỉ việc tại một công ty cổ phần để tự mở cửa hàng kinh doanh đồ điện tử. Thế nhưng, chỉ sau nửa năm, mặt bằng thuê bị đòi tăng giá, hàng họ ế ẩm, vốn cạn, anh đành phải ngừng việc kinh doanh.
"Giờ mọi gánh nặng dồn lên vai tôi. Tôi vừa phải lo ăn uống cho cả nhà, tiền học hành của con rồi trả lãi ngân hàng mỗi tháng cho khoản chồng vay vốn làm ăn trước đây. Trong khi đó, anh ấy chưa tìm được việc mà chẳng chịu ở nhà, suốt ngày lông bông", chị Thỏa bức xúc.
Vì căng thẳng, mệt mỏi, nhiều lúc, chị không thể kìm được những lời phàn nàn, to tiếng hay thái độ khó chịu với chồng. "Mỗi lần như vậy thể nào nhà cũng có chiến tranh lạnh, có khi kéo dài cả tuần, trong nhà ngột ngạt vô cùng", người phụ nữ 31 tuổi thổ lộ.
Chuyên gia tư vấn Minh Hoa, đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP HCM cho biết, thời điểm vợ hoặc chồng thất nghiệp là một trong những giai đoạn thử thách lớn trong hôn nhân, và nếu người trong cuộc không khéo xử trí thì gia đình rất dễ lục đục, thậm chí tan vỡ, nhất là khi người chồng rơi vào tình trạng này.
"Từ trước tới nay, xã hội vẫn mặc định đàn ông là trụ cột gia đình. Khi mất việc, thất thế, họ dễ tự ti, mặc cảm, sinh stress, thậm chí tiêu cực hơn là lao vào nhậu nhẹt để lảng tránh thực tại", nhà tâm lý giải thích.
Bà cho biết, điều này càng dễ thấy ở những nam giới vốn đang thăng tiến, kiếm tiền tốt, được nhiều người ngưỡng mộ... Hơn bao giờ hết, họ cần được sự cảm thông, chia sẻ của bạn đời, để lấy lại thăng bằng và tìm kiếm những cơ hội mới. Trong hoàn cảnh này, người phụ nữ phải rất khéo léo, tế nhị trong ứng xử, tùy tính cách chồng mà nhẹ nhàng an ủi, động viên hay khuyến khích anh cố gắng, hoặc đôi khi chỉ là cố gắng tạo bầu không khí gia đình ấm áp...
"Đây là thời điểm rất nhạy cảm, cả hai đều căng thẳng, dễ cấn bấn nhau về chi tiêu. Nếu mỗi người không giữ được bình tĩnh dễ làm chạm tự ái, tổn thương nhau và đẩy mọi việc đi xa", bà Hoa nói.
Đặc biệt, nếu tình trạng thất nghiệp kéo dài, hoặc do bản thân người đàn ông đòi hỏi quá cao, không chủ động tìm kiếm việc làm, thì xung đột gia đình càng trở nên nặng nề. Trường hợp gia đình chị Hạ (Thanh Trì, Hà Nội) là một điển hình.
Chị Hạ cho biết, chồng chị là niềm tự hào của gia đình vì anh vốn nổi tiếng học giỏi, có tới hai bằng đại học. Thế nhưng, suốt 5 năm làm vợ, chị chưa từng được cầm một đồng nào từ chồng. "Anh ấy ngồi chưa ấm chỗ này đã nhảy sang chỗ khác, không bao giờ muốn làm nhân viên thường mà chỉ thích ghế giám đốc và trưởng phòng, nhưng kinh nghiệm và năng lực lại không thể đáp ứng", chị Hạ kể.
Hiện tại, ông xã chị chỉ ở nhà chơi game, thỉnh thoảng có bạn gọi nhậu nhẹt thì đi, người quen giới thiệu chỗ làm nào anh cũng chê là "không phù hợp".
"Mình đã nghĩ tới chuyện ly hôn vì không thể chịu đựng nữa. Vợ chồng suốt ngày cãi vã, mình chẳng còn chút tôn trọng nào với anh ta", chị Hạ bộc bạch.
Một cuộc điều tra xã hội học gần đây của Mỹ với trên 3.600 cặp vợ chồng cho thấy, một gia đình vốn hạnh phúc thế nào, nhưng khi tình cảnh thất nghiệp kéo dài thì cũng rất dễ đổ vỡ. Và nếu ông chồng là người không chịu tích cực tìm việc, thể hiện vai trò trụ cột gia đình, người vợ sẽ dễ chủ động chấm dứt hôn nhân.
Theo nghiên cứu này thì phụ nữ thất nghiệp sẽ chịu ít áp lực hơn nam giới, đồng thời tâm lý cũng đỡ căng thẳng hơn vì vẫn có thể đóng góp cho gia đình bằng cách thu vén việc nhà, chăm sóc con cái.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Minh Hoa cho rằng, tại các nước văn minh hơn, việc chị em nghỉ việc ở nhà vì chăm sóc gia đình, con cái là một sự hy sinh và được xã hội, người chồng trân trọng, thì ở nước ta, nhiều khi điều đó lại chưa được đánh giá đúng. Khi vợ thất nghiệp, không ít ông chồng ỉ mình làm ra tiền nên không bao giờ giúp vợ việc nhà, thậm chí xét nét hơn về chi tiêu, tỏ ra coi thường, khiến người phụ nữ càng thêm căng thẳng, dễ cáu giận, thậm chí trầm cảm.
Những người thấy My, 22 tuổi ngày ngày quanh quẩn trong nhà, ra chợ, với chiếc bụng bầu đã lùm lùm, gương mặt xanh xao, mệt mỏi, đôi mắt lúc nào cũng như mọng nước, đều không thể tưởng tượng mới hơn năm trước, đây là một cô gái vui tươi, năng động.
Năm ngoái,vừa ra trường với tấm bằng khá, My xin được công việc như ý tại một công ty cổ phần ở Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng đi làm, cô đã đám cưới, có bầu và bị nghén nặng, phải vào viện. Đúng lúc công ty gặp khó, cần giảm biên chế, My bị cho thôi việc. Cũng thời điểm này, cô phát hiện em bé trong bụng là con gái, trong khi ông xã chỉ thích con trai.
"Anh ấy quay ra chì chiết em, chẳng thèm quan tâm gì, có đêm còn không thèm về. Em có nói gì thì quát nhặng lên, bỏ đi tiếp. Em cũng muốn kiếm việc làm cho khuây khỏa nhưng giờ bụng to, có chỗ nào muốn nhận đâu. Ngày nào em cũng nhắc mình phải cố lên vì con, nhưng vẫn không thể không khóc. Cảm giác thất nghiệp phải phụ thuộc chồng lúc này thật khổ quá", My nghẹn ngào.
Theo nhà tâm lý Minh Hoa, muốn vượt qua được giai đoạn khó khăn khi một trong hai người thất nghiệp, vợ chồng cần có sự chia sẻ, trao đổi thẳng thắn về nhau, lập kế hoạch cho cuộc sống gia đình, về thời gian nghỉ, các khoản chi tiêu cho hợp lý... Tránh những vấn đề nhạy cảm như khoe người này người kia giỏi giang, trách móc bạn đời không làm ra tiền. Khi chưa kiếm được việc làm, bản thân mỗi người phải tự nâng cấp bản thân, biết khả năng của mình, học thêm các kỹ năng mới, tìm kiếm những cơ hội phù hợp...
"Trong giai đoạn này, nếu không đồng lòng chèo lái thì con thuyền gia đình rất dễ bị sóng gió đánh tan, còn khi đã vượt qua được, cả hai sẽ thêm yêu thương, hiểu nhau hơn", nhà tâm lý chia sẻ.
Vương Linh
*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi