Ảnh: Hạ Huy |
Mít (Artocarpus heterophyllus) có họ hàng với sa kê, thuộc họ Moraceae là cây có nguồn gốc từ Ấn Độ và Bangladesh, được trồng và đưa sang các nước vùng nhiệt đới. Ngày nay mít chủ yếu có mặt ở các nước Đông Nam Á, Brazil và Haiti.
Cũng như các loại cây khác trong họ Moraceae, mít sản xuất ra nhựa latex trong tất cả các bộ phận của cây, đặc biệt là rất nhiều và rất dính. Nhựa mít được nhiều người sử dụng làm bẫy bắt chim. Gỗ cây mít rất cứng, có màu vàng đẹp và xớ rất mịn, được ưa chuộng trong nghề đóng gỗ dát và kỹ nghệ đóng bàn ghế. Đôi khi người ta cũng dùng gỗ mít để làm dụng cụ âm nhạc hoặc trong xây dựng. Người ta còn chiết xuất được từ gỗ mít một sắc tố gọi là basanti, dùng để nhuộm vải tơ và y phục cho thầy tu. Mít bắt đầu có trái sau 3 năm và có hương vị thật nhẹ, khi chín thì trái tỏa mùi thơm ngọt, có thể ăn liền, nấu chín, chế biến các món mặn lẫn ngọt. Mít non được người dân đảo Réunion chế biến thành món đặc sản “tijaque boucané”.
Mít là loại trái cây khá quen thuộc, có mặt từ sạp chợ nhỏ, xe bán dạo đến các cửa hàng, siêu thị lớn. Chúng ta thường biết mít như một loại trái cây ăn chơi, chứ ít để ý đến giá trị dinh dưỡng của nó. Mít được sử dụng như một loại rau khi còn non và là trái cây khi chín. Hột mít sống có chứa độc tố nhưng khi nấu chín thì lại rất hấp dẫn bởi hương vị giống hạt dẻ. Trong hột mít sấy khô có nhiều vitamin nhóm B, C, calcium, potassium, magné, phosphor, sắt và lưu huỳnh.
Mít non có hàm lượng glucid tổng hợp cao hơn khoai tây, ít calo hơn khoai mì nhưng nhiều chất xơ, nhiều potassium hơn. Mít thuộc nhóm trái có bột ít calori nhất. Do tất cả những thành phần dinh dưỡng kể trên mà mít có thể giúp hạ huyết áp, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, chống ô xy hóa, phòng chống ung thư, ngăn chặn thoái hóa tế bào, giúp da đẹp và mềm mại. Rễ mít được cho là có nhiều tính năng trong điều trị các bệnh về da, còn lá mít là một vị thuốc lợi sữa thông dụng trong dân gian. Lá mít và mít non sắc nước uống có thể hỗ trợ ngừa bệnh tiểu đường.
Minh Quân