Phạm Lê Quỳnh Trâm có tên ban đầu là Phạm Văn Hiệp, người sinh ra với cơ thể đàn ông nhưng mang nhiều nét nữ tính hơn nam. Quyết tâm sống với giới tính thật của mình, Hiệp dành dụm tiền và sang Thái Lan phẫu thuật. Năm 2009, cô hoàn tất quá trình phẫu thuật chuyển giới và là người đầu tiên tại Việt Nam được chính quyền cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính từ nam sang nữ.
Câu chuyện không được nhập cảnh tại sân bay sau khi vừa phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Thái Lan là khó khăn đầu tiên Quỳnh Trâm gặp phải với tư cách "một con người mới". Sau lần đó, phải mất một thời gian khá lâu hoàn thành nhiều thứ thủ tục xác minh, Trâm mới được cơ quan chức năng đóng dấu cho phép nhập cảnh về nước.
“Trong thời gian chờ đợi, tôi thực sự buồn và tủi lắm nhưng không biết làm gì khác. Điều mong ước duy nhất của tôi lúc ấy là một ngày nào đó được thay đổi lại giấy tờ cho phù hợp với con người của mình hiện tại”, Quỳnh Trâm chia sẻ.
Cô giáo Quỳnh Trâm, người được công nhận xác định lại giới tính đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Q.T. |
Không những thế, lo lắng lớn nhất của Quỳnh Trâm sau khi làm phẫu thuật trở về là phải làm việc gì để sống. Trước đó là một giáo viên, nhưng cô cho rằng “nếu đi dạy như ngày xưa, tôi nghĩ không thể được vì hiện tại giấy tờ của mình vẫn là nam mà diện mạo là phụ nữ. Tôi tin chắc rằng phụ huynh sẽ không bao giờ chấp nhận giao con cái cho tôi dạy”.
Trâm quyết định đi học trang điểm, làm tóc và dự định chuyển hẳn sang lĩnh vực thẩm mỹ thời trang, một phần cũng để trốn chạy dư luận. Cô gái bảo: “Theo tôi không có nghề nào xấu hết, quan trọng là bản thân có nỗ lực hết mình hay không. Nhưng thú thật lúc đó nghĩ đến việc phải bỏ nghề giáo tôi rất buồn, ít nhiều gì nghề này đã gắn bó với mình bao năm qua”.
Trong thời gian băn khoăn không biết tìm hướng rẽ nào cho cuộc đời thì một lần xảy ra rắc rối, Trâm chạy xe máy trên đường bị cảnh sát giao thông tuýt còi và yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân. “Tôi bối rối quá vì đưa giấy phép lái xe ra thì hình trong giấy tờ và tôi bấy giờ là hai người hoàn toàn khác nhau. Tôi cố giải thích mà cảnh sát không tin, thấy họ cứ nhìn chằm chằm giống như tôi từ thế giới khác đến vậy. Sau vụ việc này tôi càng thêm quyết tâm phải làm giấy tờ xác định lại giới tính”.
Từng học 2 năm chuyên ngành Luật ở trường Đại học Tổng hợp ngày trước nên Trâm biết trường hợp của mình được pháp luật cho phép đổi giới tính trong giấy tờ tùy thân. Cô mạnh dạn làm đơn gửi các cơ quan chức năng để trình bày rõ hoàn cảnh của mình và tha thiết xin xem xét. “Rất may tôi được các cán bộ ở tỉnh Bình Phước hướng dẫn nhiệt tình. Họ rất thông cảm nên tôi thấy tự tin và tràn đầy hy vọng. Trong sâu thẳm lòng mình, tôi tin pháp luật Việt Nam rất nhân đạo”, Trâm kể tiếp.
Cô mất một năm trời đi khắp nơi làm các thủ tục từ xét nghiệm y khoa, dịch thuật hồ sơ giấy tờ phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Thái Lan, xin giấy xác nhận của cơ quan tư pháp, công an, ủy ban nhân dân tỉnh, trị trấn… Vì chưa có tiền lệ nào nên mọi thủ tục trở nên vô cùng phức tạp. Cuối cùng đến đầu năm 2009, Trâm đã được chính quyền địa phương cấp giấy quyết định "Thay đổi cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính". Giấy này ghi rõ: cho phép Phạm Văn Hiệp được xác định lại giới tính từ nam sang nữ và đổi tên thành Phạm Lê Quỳnh Trâm.
Clip Quỳnh Trâm chia sẻ tâm sự
Ngày cầm tấm giấy quyết định trong tay, Trâm khóc như một đứa trẻ bởi nghĩ rằng "từ đây mình mới sống thật là mình". "Đó là mơ ước lớn lao bấy lâu nay nhưng tôi vẫn không dám tin đã thành sự thật. Tôi không thể nào diễn tả hết niềm vui khi được sống với giới tính thật của mình. Hạnh phúc lắm... Tôi cám ơn chính quyền tỉnh Bình Phước rất nhiều vì đã giúp tôi thay đổi cả cuộc đời”, cô tâm sự.
Trong niềm vui được sống với giới tính thật của mình và được cơ quan công quyền công nhận, cô giáo Quỳnh Trâm quyết định trở lại với công việc dạy học còn dang dở. Cô bảo trước đây đã ước nguyện khi nào làm lại được giấy tờ tùy thân thành nữ thì sẽ dạy học trò miễn phí 2 tháng để tạ ơn bề trên. Nay khi mọi sự thành công, cô giáo bắt tay vào thực hiện lời hứa ngay.
“Tôi thông báo dạy miễn phí nhưng lúc đầu không có học sinh nào dám đến học. Phụ huynh họ vẫn kháo nhau về tôi là ‘thứ quỷ ma đó mà dạy cái gì’. Cuối cùng chỉ có những học sinh yếu kém tìm đến xin học vì dường như các em không còn lựa chọn khác”, kể đến đây cô giáo không cầm được nước mắt.
Mang trong mình nỗi cô đơn buồn tủi nhưng Quỳnh Trâm luôn cố gắng niềm nở và nhiệt tình chỉ dạy cho học sinh. Biết sức học của các em còn yếu nên cô giáo cố gắng quan tâm từng học trò, giảng giải cặn kẽ từng công thức, con số. Em nào chưa hiểu thì cô đến bên giảng riêng, thậm chí sau giờ tan lớp, thấy học trò vác sách vở đến hỏi bài cô cũng sẵn sàng giải thích cặn kẽ. Vậy nên chỉ sau 2 tháng, học lực của các em này tiến bộ rất nhiều. Từ đó phụ huynh bắt đầu tin tưởng hơn. Sau khi khóa học 2 tháng miễn phí kết thúc, họ đề nghị cô giáo dạy tiếp và đóng tiền tháng để xin cho con học.
Trâm nhớ như in lớp học đầu tiên kể từ sau khi mình phẫu thuật chuyển đổi thành nữ từ Thái Lan trở về. Lớp học có trên 30 em ban đầu toàn là học sinh yếu kém, vậy mà sau đó tất cả đều tốt nghiệp phổ thông trung học và thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng tại TP HCM.
“Thấy vậy từ năm sau trở đi phụ huynh họ tình nguyện đến xin tôi cho con học. Các thế hệ sau có nhiều học trò giỏi hơn nên tỷ lệ đậu đại học cao hơn và các em vào được những trường đại học nổi tiếng hơn. Tôi rất vui vì giúp được gì đó cho xã hội. Đó là niềm vinh dự lớn nhất của tôi đến giờ”, cô giáo cười nói.
Luôn cho rằng mình là một người may mắn, Quỳnh Trâm luôn cố gắng sống tốt với hy vọng xã hội sẽ có cái nhìn tích cực hơn về những người chuyển giới như mình. Đồng thời cô mong các cơ quan Nhà nước có những thay đổi tích cực trong việc công nhận những trường hợp chuyển giới khác để họ cũng được sống "là chính mình" và làm việc có ích cho xã hội.
Bày tỏ quan điểm cá nhân, Trâm cho rằng xã hội còn kỳ thị người chuyển giới. Lỗi một phần là do chính những người chuyển giới đã sống không lành mạnh. Song nguyên nhân chính, theo Trâm, vì bị cộng đồng gạt ra bên lề xã hội nên những người chuyển giới thường sống thu mình lại, không tìm được việc làm mưu sinh nên phải làm những nghề chẳng ra gì.
"Ai mà chẳng muốn sống đàng hoàng và có ích. Tôi mong rằng Nhà nước nếu không thay đổi được luật để công nhận người chuyển giới thì hãy có những văn bản dưới luật rộng mở hơn để cho những người không may mắn như tôi có thể sống hòa nhập một cách công bằng”, cô giáo bày tỏ.
Quỳnh Trâm cũng cho biết luôn sẵn sàng chia sẻ về câu chuyện cuộc đời, giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Địa chỉ email của cô giáo chuyển giới là ngoclanletran@yahoo.com.
Thi Trân