Ông bố trẻ cho biết, từ đó về sau bất kể cô con gái (học lớp 8) đi đâu: học thêm, đi chơi, đi bơi hay xem phim, vợ chồng anh đều không cho phép cháu đi một mình. Một hôm sai con đi chợ gần nhà, anh bắt gặp con gái và người bạn trai kia lén lút nói chuyện với nhau. Không kiềm chế được, anh Trung lớn tiếng quát tháo rồi lôi con về nhà đánh đòn thật đau.
"Từ hôm đó đến nay, con bé trở nên lầm lì, chẳng nói chẳng rằng, đi học về là chui ngay vào phòng đóng cửa lại. Tôi tức giận chửi mắng, xúc phạm và đánh đập nhưng nó chỉ mím môi lặng lẽ khóc chứ không nói năng gì. Tôi thực sự hoang mang quá chẳng biết phải làm gì bây giờ", anh Nguyễn Hữu Trung ở quận Tân Phú, TP HCM, chia sẻ.
Tư vấn trường hợp của anh Trung, chuyên viên tư vấn tâm lý Vũ Cẩm Vân cho rằng cách anh đối xử với con gái như vậy là không nên. "Tôi hiểu cảm giác của anh khi phát hiện đứa con gái mà bố mẹ luôn cho rằng vẫn còn bé bỏng của mình đã có người yêu và dường như ngày càng xa rời vòng tay yêu thương của bố mẹ. Nhưng anh quên rằng cháu giờ đây bước vào tuổi mới lớn, đang dần trưởng thành với rất nhiều tình cảm yêu thương, mộng mơ và hoài bão. Vì nóng nảy và cách hành xử thiếu bình tĩnh mà anh đã làm tổn thương đến cháu", bà Vân nhận xét.
Chuyên gia tâm lý giải thích rằng, khi bước vào lứa tuổi dậy thì, tình cảm nam nữ đến với con trẻ hoàn toàn tự nhiên, dù muốn hay không con gái anh Trung cũng không thể né tránh được cảm xúc yêu thương. Đây là giai đoạn vô cùng cần thiết để bố mẹ giúp con trang bị những kiến thức cần thiết về tình yêu và về giới tính. Nếu không được sự tôn trọng cảm xúc từ phía bố mẹ, trẻ sẽ ngày càng trở nên xa rời gia đình.
Hơn nữa ở lứa tuổi này các em luôn cho rằng mình đã lớn, muốn khẳng định cái tôi, chứng tỏ mình đúng và đặc biệt muốn sống hết mình với lý tưởng tình yêu. Chính vì vậy mà sự ngăn trở, cấm đoán, xúc phạm, đe nẹt càng dễ khiến các em hành động một cách bột phát và nông nổi. Khi bị cấm đoán các em sẽ càng phản ứng mãnh liệt theo kiểu chống đối để bảo vệ tình yêu, đồng thời cũng lén lút hẹn hò, gặp gỡ. Và khi tình yêu bị ngăn cấm mà có cơ hội gặp lại thì rất khó để các em giữ mình, hậu quả lúc này là không thể lường hết được.
Vì thế vị chuyên viên tâm lý khuyên: "Bố mẹ không thể quản lý cháu suốt cả ngày vì càng kìm kẹp thì cháu càng có vùng vẫy, chống đối thậm chí nổi loạn để thoát khỏi sự trói buộc. Bố mẹ lại càng không nên đánh mắng, xúc phạm khiến con sợ hãi, xấu hổ và dẫn đến những hành động sai trái".
Trong tình huống này, theo bà Vân, cách tốt nhất là cha mẹ nên ngồi lại trò chuyện với con, nếu có thể thì xin lỗi con, quan trọng nhất là bày tỏ cho con hiểu hết những lo lắng mà bố mẹ phải đối mặt. Khi có được sự cảm thông từ bố mẹ, trẻ sẽ mạnh dạn bày tỏ cảm xúc thật của mình.
Cha mẹ hãy để tình cảm của trẻ phát triển tự nhiên, đồng thời lắng nghe những cung bậc cảm xúc của trẻ, từng bước giúp trẻ phân biệt cảm xúc của mình để bé dần nhận ra giá trị thật, ảo trong tình yêu. "Bằng những câu chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm chứ không nên răn dạy, giáo điều, anh chị hãy hướng trẻ đến với giá trị của tình yêu trong sáng của lứa tuổi học trò. Tôi tin rằng tình yêu thương, sự thấu hiểu và khéo léo của bố mẹ sẽ giúp cháu trở lại là đứa trẻ vui vẻ", bà Vân đúc kết.
Trang Vân