Tôi lấy chồng! Tất cả bạn bè đều ganh tỵ vì có vẻ như tôi sở hữu được một “báu vật”: Thông minh, đẹp trai và thành đạt. Nhưng, còn một điểm đáng ganh tỵ hơn: Chúng tôi có nhà riêng và mẹ chồng thì ở xa tít tắp, tận cuối thành phố! | |
Thế nhưng, cả niềm vui sướng của tôi và sự ganh tỵ của bạn bè dường như quá sớm! Trở về từ chuyến trăng mật tuyệt vời, sáng sớm, chúng tôi còn đang mơ màng trên chiếc giường êm ái, tận hưởng sự riêng tư thì giật bắn mình khi nghe tiếng chuông điện thoại inh ỏi. Tất nhiên là điện thoại của anh ấy rồi. Tôi đã kịp cho ai số điện thoại nhà mới đâu!
Khi chồng là “con trai bé nhỏ” của mẹ
Anh nhấc máy: “Dạ, má ạ, dạ… tất nhiên rồi, má qua đi, tụi con đợi….”. Tôi chẳng kịp nghĩ ngợi, vọt miệng: “Mẹ sang à? Sang làm gì?” Sao tôi lại hỏi như thế chứ? Tất nhiên là sang để xem con trai đi nghỉ về như thế nào. Xem con dâu có chuẩn bị bữa sáng có chu toàn không. Bát chén nhà cửa có sạch sẽ tinh tươm không. Nhìn chồng tôi ngoan ngoãn lắng nghe mẹ, miệng mở to, mắt chớp liên hồi, tôi bàng hoàng hiểu ra một điều: Tất cả mới chỉ bắt đầu!
Quả thực, chỉ cần một ngày thực sự sống chung một mái nhà với mẹ chồng, nghe trăm thứ dặn dò của bà, tôi đã hiểu tôi thật là kẻ đáng ghét, kẻ đang chuẩn bị đày ải “cậu con trai bé nhỏ” của bà vào một cuộc sống hoàn toàn không xứng đáng. Giờ đây, tôi mới thật sự hiểu tại sao người ta thường thở dài khi kể chuyện về chồng mình - con trai yêu của mẹ chồng.
Kể lại với các bạn chuyện này là tôi đã trải qua 5 năm hôn nhân. Cuộc sống chung vẫn còn đang hạnh phúc. Mọi chuyện được như vậy là nhờ sự khéo léo của tôi. Tôi đã tìm được con đường đúng đắn để “thoát hiểm”. Và, tôi sẽ mách cho các bạn một ít kinh nghiệm xương máu của mình.
Điều quan trọng nhất mà bạn cần giữ cho được là đừng đặt chồng bạn trước chọn lựa bất khả: “Em hay bà ấy”, đừng vùng vằng, đanh đá hay ăn miếng trả miếng… Bởi nếu thế, bạn sẽ nhận được một trong hai kết quả: Hoặc mất chồng, hoặc stress đến mức phải nhập viện gấp ngay trong… tháng trăng mật. Cách duy nhất để bạn vượt qua thử thách là hãy biến hình thành một thiên thần, yêu thương và kính trọng mẹ chồng hết mực: “Mẹ ơi, mẹ thấy trong người thế nào? Chuyện này mẹ bảo con nên làm thế nào? Con muốn nói với mẹ một chuyện bí mật! Con thật may mắn vì có mẹ…”.
Hãy nhớ là bạn không chỉ nói những câu ngọt ngào như thế một lần mà phải sử dụng chúng mỗi ngày, thường xuyên và bằng một giọng du dương tuyệt vời nhất có thể. Kết quả, bạn sẽ nhận ra ngay thôi. Nếu mẹ chồng của bạn giống mẹ chồng tôi, một phụ nữ khó chịu, quyền hành và không biết nhân nhượng, bà sẽ vẫn không ngừng bày ra những trò thử thách mới. Cứ bình tĩnh! Mỗi ngày, với một vẻ chịu đựng tội nghiệp, tôi đã mở ra cho chồng tôi một cái nhìn mới mẻ: Hóa ra mẹ mình không phải thiên thần! Dần dần như thế, từng bước một, anh trở thành đồng minh của tôi trong việc tránh né sự kiểm soát của mẹ mình. Đó là một chiến thắng lớn của tôi: Làm cho chồng hiểu chúng tôi đã có một cuộc sống riêng tư và anh phải cùng tôi bảo vệ, xây dựng cuộc sống ấy theo cách của mình, chứ không phải theo cách của mẹ. Dấu hiệu đầu tiên của chiến thắng: Anh bắt đầu nói dối mẹ chuyện chúng tôi thỏa thuận để cho tôi bảo vệ xong cao học rồi hãy sinh con. Và càng ngày, anh càng chân thành, gắn bó, cởi mở với tôi hơn!
Nếu bạn phải sống chung với mẹ chồng khó tính dưới một mái nhà
Cô bạn tôi còn bất hạnh hơn tôi: Phải sống chung với cha mẹ chồng. Mẹ chồng cô ấy lúc nào cũng cáu bẳn và chẳng muốn nói chuyện với ai. Thỉnh thoảng bà mới “hạ cố” nói với con dâu và chỉ là những câu đại loại như: “Mẹ phải nói với con bao nhiêu lần là đừng có để bát chén ướt lên bàn?” hay “Con không thể xài nước tiết kiệm hơn à?”. Tệ hại hơn, cả nhà chỉ có một cái tivi ngoài phòng khách và những buổi tối trò chuyện chung thường kết thúc bằng câu hỏi: “Sao con có vẻ xanh xao thế nhỉ? Hay con có bầu rồi?”, mà cô ấy thì chẳng hề có bầu và chỉ nghĩ đến cảnh nếu nghỉ sinh, sẽ phải ở nhà suốt 24 tiếng đồng hồ với mẹ chồng trong căn bếp chật chội là cô ấy phát khiếp.
Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh ấy, xin cứ yên tâm vì chẳng bao giờ có tình huống hoàn toàn không lối thoát. Mẹ chồng của chúng ta tất nhiên là một người lớn tuổi, họ sẽ có những thói quen cố hữu và chẳng có ai, kể cả những chuyên gia tâm lý đại tài, có thể thay đổi được. Vì thế, nếu gặp phải người mẹ chồng khó tính như cô bạn của tôi, bạn cũng đừng nghĩ mình có thể thay đổi bà mà hãy thay đổi thái độ của mình với các tình huống.
Đầu tiên, mỗi ngày bạn hãy tự nhắc nhở mình: Đó chỉ là những vấn đề có thời hạn, những thử thách cho tình yêu của bạn. Bạn sẽ không phải sống cả đời với mẹ chồng dưới một mái nhà đâu. Hãy cố gắng hòa nhã, cởi mở và thân thiện với bà (nhưng không cần thiết phải kể hết những vấn đề quan trọng với bà đâu). Hãy coi những hành động và cách xử sự nhõng nhẽo của bà là của một... cô bé (ông bà ta hay nói “một già một trẻ bằng nhau” mà).
Bạn hãy tìm mọi cách làm cho bà hài lòng, không chỉ vào những ngày lễ, những dịp đặc biệt. Thí dụ trên đường về nhà sau giờ làm việc, hãy mua cho bà tờ báo mà bà thích hay hộp bánh, ký trái cây, giống như khi bạn đi thăm nhà người bạn có... con nhỏ vậy. Đừng ba hoa qua điện thoại với bạn bè nhiều và đừng chiếm buồng tắm quá lâu.
Đừng kêu ca phàn nàn với chồng về mẹ chồng. Mọi mâu thuẫn, mọi vấn đề hãy tự mình giải quyết, đừng làm phiền đến anh ấy. Nếu mẹ chồng phàn nàn về bạn với chồng bạn và anh ấy muốn trò chuyện lại với bạn về điều đó, bạn hãy kềm chế, đừng thanh minh theo kiểu: “Còn mẹ anh thì....”. Hãy biến mọi chuyện thành những lời đùa bỡn nhẹ nhàng.
Một điều quan trọng là nếu bạn chưa thu xếp được mối quan hệ với mẹ chồng cho tốt thì không nên có em bé nếu còn phải sống chung. Đứa trẻ sẽ làm cho tình huống làm dâu của bạn trở nên khó khăn bội phần.
Cuối cùng là nếu có một cơ hội ra riêng nào đó, dù là nhỏ nhất, hãy tóm lấy nó. Trong một căn hộ dù bé xíu nhưng là của riêng mình, bạn sẽ thấy hạnh phúc và tự do gấp trăm lần sống trong cái lồng vàng son cùng mẹ chồng.
Theo Song Văn PNO |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|