Thời còn sinh viên, vợ tôi là một cô gái thông minh, năng động, quyết đoán và đầy bản lĩnh. Chính những đặc điểm đó ở nàng đã cuốn hút tôi. | |
Sau mấy năm yêu nhau, cuối cùng, tôi cũng “rước nàng về dinh”. Công bằng mà nói, cô ấy là một người vợ giàu trách nhiệm với gia đình, tận tụy chăm sóc chồng con... Tuy nhiên, một điều khiến tôi rất buồn lòng là những ưu điểm của cô ấy từng cuốn hút tôi thời yêu nhau cứ ngày càng “phát huy” mạnh mẽ cuộc sống hôn nhân, đến mức không thể chịu nổi. Mọi việc trong nhà từ nhỏ đến lớn đều do cô ấy tự quyết định, không hề có sự trao đổi, bàn bạc nào với tôi - chồng cô ấy!
Này nhé, từ những chuyện nhỏ như quần áo, giày dép, cà vạt của tôi; thực đơn bữa ăn gia đình, cách bài trí nhà cửa... cô ấy đều tự quyết và tôi bị đẩy vào thế phải sử dụng, dù không hề thích. Nhiều lần tôi than phiền về trang phục cô ấy mua cho nhưng chỉ được nghe khẩu lệnh: “Anh cần phải ăn mặc cho nghiêm chỉnh!”.
Vợ chồng sống với nhau đã 10 năm, nhưng chưa một lần trước khi đi chợ cô ấy hỏi chồng: “Hôm nay anh thích ăn món gì?”. Thực đơn hằng ngày cô ấy làm theo ý riêng, không cần biết chồng và con thích ăn gì. Cô ấy lý giải: “Em đâu cần phải hỏi bố con anh thích ăn gì, vì em thay đổi thực đơn liên tục, tất cả các món rồi cũng sẽ lần lượt có mặt trong thực đơn...”. Tôi chúa ghét màu hồng, nhưng sau một tuần đi công tác trở về, tôi sửng sốt khi thấy nhà mình đã trở thành một không gian toàn màu hồng. Trả lời câu hỏi của tôi: “Sao em không thèm hỏi anh một tiếng? Em không biết là anh ghét màu hồng lắm sao?”, cô ấy đáp một cách vô tư: “Em đâu biết, màu hồng đẹp mà, sao anh lại khó chịu?”.
Đã buồn vì vợ luôn tự quyết những chuyện nhỏ như vậy, tôi càng sốc hơn khi cô ấy tự quyết những chuyện lớn. Tôi không thể nào quên được lúc cô ấy sinh con gái. Còn hai tuần nữa mới đến ngày sinh (theo dự đoán của bác sĩ) thì tôi phải đi công tác. Tôi đi chưa được một tuần, mẹ vợ tôi đã gọi điện thông báo: “Vợ con sinh rồi. Vợ con chủ động sinh mổ để đứa con được ra đời vào ngày tốt, giờ tốt”. Tôi nghe mà ngẩn ngơ, vì chẳng hề được bàn về chuyện đó. Con gái chúng tôi lớn lên, mới học cấp I mà liên tục “được” mẹ chuyển trường: từ trường công lập sang dân lập, từ trường quốc tế này sang trường quốc tế khác... Chuyển trường xoành xoạch khiến con bé chẳng ổn định được tinh thần để học tập. Vợ tôi không thèm quan tâm đến điều đó, cũng như sự phản đối của tôi. Cô ấy biện minh: “Em muốn con mình phải học ở trường tốt nhất”.
Có lần, tôi đã quá bất ngờ khi một người bạn của vợ đến nhà trả 100 triệu đồng. Lúc đó, nàng mới đủng đỉnh báo: “Mấy tháng trước, em đã cho bạn mượn. Cũng định nói với anh nhưng em quên mất...”. Một lần khác, tôi càng sốc hơn khi vào ngày cuối tuần vợ bảo: “Anh đi xem cái này với em...”. Cô ấy đưa tôi ra một quận ngoại thành, đến một miếng đất rộng và nói: “Anh thấy miếng đất này được không? Diện tích 1.500m2, vị trí đẹp, giá lại rẻ...”. Tôi hỏi: “Bộ em định mua sao?”. Cô ấy nhìn tôi đầy ngạc nhiên: “Định gì nữa? Em đã mua rồi! Phải tranh thủ, chần chừ là người khác hớt ngay”. Tôi nghe vợ nói mà rụng rời! Vét gần hết tiền tiết kiệm của gia đình để mua miếng đất này, mà cô ấy cũng chẳng hỏi qua chồng! Không kềm được sự giận dữ, tôi gắt: “Một chuyện lớn như vậy, sao em không thèm hỏi anh? Em có còn coi anh là chồng không?”. Vợ tôi ngạc nhiên: “Sao anh lại nổi nóng? Em có làm gì sai đâu? Mua đất để đó, vài năm nữa bán lại cũng kiếm được khối tiền lời. Em làm vậy cũng là tính chuyện có lợi cho gia đình mình mà...”. Tôi chỉ còn biết thở dài ngao ngán.
Cô ấy luôn luôn có “lý do chính đáng” cho sự tự quyết của mình, chỉ có điều là không hề ý thức chính sự tự quyết đó đã khiến tôi bị tổn thương. Tôi có cảm giác mình bị coi thường, mình chẳng có vị trí, tiếng nói nào trong gia đình. Mười năm qua, vợ tôi vô tư hành xử với cung cách của một bà chủ, một bà sếp trong gia đình, không quan tâm đến nỗi buồn, sự thương tổn của chồng. Nỗi buồn của tôi giờ đã thành nỗi đau âm ỉ. Tôi không biết phải chia sẻ điều này với ai. Có ông chồng nào rơi vào hoàn cảnh như tôi không?
Theo Nguyễn Việt PNO |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|