Sẵn sàng móc hầu bao từ vài trăm đến cả nghìn đôla chi cho mỗi món quà, nhưng xem ra nhiều doanh nhân kỹ tính vẫn chưa “tròn” mong muốn làm hài lòng bà xã dịp 8/3. | |
Quà “xịn”
Đến giờ anh P - chủ một doanh nghiệp kinh doanh laptop có tiếng ở Hà Nội vẫn nhớ như in niềm phấn khởi, vui sướng của bà xã dịp 8/3 năm ngoái khi anh “xuống tiền” mua 1 cặp đồng hồ đeo tay hiệu Tissot, mà riêng chiếc của nữ đã có giá 1.150 USD.
Năm nay, tiếp tục tâm niệm “tạo sự kiện” để bà xã có cái mà khoe với chị em rằng “đây là món quà 8/3 của chồng”, anh P lại quả quyết đầu tư tiền triệu để làm đẹp lòng vợ.
Tặng vợ “hoa đồng tiền” hay đưa vợ đi sắm đồ xa xỉ
là cách làm phổ biến của nhiều doanh nhân.
Ngay từ cách đây vài tuần, anh P đã dò ý, tìm hiểu tâm tư vợ và biết chị sẽ không từ chối một chiếc áo khoác hàng hiệu thật kiểu cách và sang trọng. Ra Tết, tranh thủ thời gian rỗi, anh đã đảo qua một lượt các khu mua sắm “nhà giàu” như Vincom, Tràng Tiền Plaza... tìm mua.
Song thực tế, muốn chi tầm tiền khoảng 5-7 triệu cho một chiếc áo khoác hàng hiệu thời điểm sau Tết lại không hề đơn giản, bởi thứ nhất anh vốn là người kỹ tính, có tiếng “đã chọn mua cái gì cũng hợp lòng vợ”, trong khi thời điểm sau Tết, hàng mới chưa về, hàng cũ thưa thớt; nhất là thời tiết tại Hà Nội lại đang “nóng như mùa hè” cho nên đến cuối tuần qua, anh vẫn nhăn mặt khi chưa thấy cái nào vừa mắt.
Còn anh Đ - Phó Giám đốc một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thực phẩm dịp này lại quyết định: quà tặng cho “mụ vợ” không có gì hay bằng đầu tư cho tổ ấm. Theo đó, anh dự định chi vài chục triệu “lên đời” chiếc tivi trong phòng ngủ của vợ chồng, từ loại nhỏ sang lớn, từ dầy sang mỏng, đồng thời tặng thêm chiếc lò nướng hiệu Best Buy mà vợ có vẻ rất “kết”.
Nói về lý do chọn các món quà trên, vị lãnh đạo chuyên mảng thị trường tự tin khẳng định, dù mới cưới nhau được khoảng hai năm nhưng cho đến giờ các loại từ áo khoác, áo choàng, khăn lông, túi xách, trang sức, mỹ phẩm hàng hiệu anh tự tay tìm mua tặng vợ, về cơ bản phải nói đã đầy đủ hết cả.
Thậm chí không ít món “độc” như áo dạ, áo nỉ ở Nga, nhẫn và vòng tay bằng bạc nguyên chất kết hình một đàn bướm mua ở Campuchia, chiếc lọ hoa bày ở phòng khách nguyên là một gốc cây cà phê ở Tây Nguyên… - những món quà mà anh cao hứng cho rằng “ở Việt Nam nhiều lắm thì có hai chiếc!”.
Thời gian cho gia đình - món quà xa xỉ
Việc các doanh nhân thường thể hiện sự “tâm lý” của mình đối với vợ con bằng những món quà trúng ý, độc đáo, đắt tiền sau chuyến công tác xa lâu nay đã trở thành một “truyền thống” nhưng thói quen dành thời gian cho gia đình, cho vợ con thì không phải ai cũng làm được.
Chạm đến vấn đề này, anh P hài hước bộc bạch, “ngày thường bọn anh bận rộn, đi sớm về muộn. Tự nhận khuyết điểm là hay đi tối ngày khiến vợ buồn cả năm, thù hận đầy người cho nên 8/3 là dịp để chuộc lỗi”.
Ngày hôm đó theo như kế hoạch, anh P sẽ thu xếp công việc gọn gàng, từ chối các lời mời từ bạn bè, đối tác để đúng hết giờ làm việc là về nhà ngay. Tối hôm đó, ngoài món quà đã chuẩn bị, anh sẽ đưa vợ đến một nhà hàng hải sản tự chọn để cùng nhau thưởng thức bữa tối đầm ấm “xa xỉ”.
Tương tự, anh Đ cũng dự định cùng vợ đi rạp xem phim, tìm lại lãng mạn như ngày còn cưa cẩm. Anh cho biết dù bình thường có bận rộn, vắng nhà thế nào chăng nữa nhưng ngày 20/11 và ngày 8/3 là hai dịp không thể để vợ một mình, chỉ bởi một lẽ, vợ anh làm nghề dạy học. Còn nhớ cách đây một năm, dù mắc chuyến công tác miền Trung cả tháng nhưng ngày 8/3, anh vẫn về Hà Nội bất ngờ với bó hoa tặng vợ trên tay.
“Hôm đó, mình gọi điện dặn “hắn” là anh không về được, em rủ các bạn bè đến nhà tổ chức ăn uống với nhau. Nhưng 9h30 tối, “hắn” ra mở cửa và nhận ra mình không phải là người thu tiền điện nước, thì mừng quýnh. Các chị em đang ăn uống vui vẻ trong nhà, sau khi thấy chồng cô giáo về thì biết ý tứ tán đi hết” - anh Đ sôi nổi nhớ lại.
Không nghĩ tới món quà là chiếc nhẫn kim cương trị giá hơn 2.000 đô và những chuyến du lịch nước ngoài như năm kia, cũng không chọn tặng vợ hai lẵng hoa lớn kèm hai bộ cánh hàng hiệu như 8/3 năm ngoái, doanh nhân Lê Thành Sơn - Giám đốc Chi nhánh miền Bắc của Công ty Giấy Anh Phú tại Bắc Ninh năm nay lại đinh ninh rằng sẽ thu xếp công việc để tối 8/3, vợ chồng con cái cùng bạn bè có một bữa tiệc tại gia thật vui và ấm cúng.
Anh chia sẻ, ngày 8/3 bao giờ mình cũng dành những tình cảm tốt nhất cho vợ, con và bạn bè, thể hiện bằng những lời chúc, những món quà. Về khía cạnh kinh tế thì đây là dịp quan trọng để kích cầu thị trường. Tuy nhiên trong bối cảnh đất nước đang chống chọi với lạm phát và bong bóng kinh tế như hiện nay thì hơn lúc nào hết, không nên rầm rộ tiêu xài, ăn chơi phóng túng.
“Giá đầu vào của sản xuất, nguyên liệu đang cực kỳ đắt và hiếm. Trong khi đa số mình đều phải nhập khẩu, phụ thuộc quá nhiều vào đồng đôla cho nên những người đứng đầu doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn năm nay cũng phải chịu áp lực rất lớn.
Nếu như mấy năm trước, kiếm được tiền 4-5 anh em bạn bè có thể đưa vợ đi chơi, vợ thích quà đắt tiền cũng sẵn sàng tặng theo ý thì năm nay doanh nghiệp càng kiếm được tiền, càng phải tiết kiệm, tích lũy cho sản xuất.
Quan niệm trong cuộc sống, luôn nhìn thẳng vào vấn đề, không quá hoa mỹ, hình thức, anh Sơn cho rằng, trong kinh doanh hiện nay, các doanh nhân trẻ nên tập trung cho mua sắm nguyên liệu, nâng cấp máy móc, nhà xưởng, tạo việc làm cho người lao động; với gia đình thì nên dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với vợ, giáo dục và trở thành những tấm gương tốt cho con cái hơn là chỉ chú tâm tới việc hưởng thụ nay ăn nhà hàng này, mai dùng đồ xa xỉ và ngày kia thì du lịch, nghỉ dưỡng…
Nói thì như vậy nhưng không có nghĩa là không có quà cho ngày 8/3 tới. Để “thật và chất” nhất, anh Sơn đã nhờ một người bạn đặt mua 200 mét vải lanh, xiu để vợ con thoải mái mặc trong mùa hè tới… cho mát!
Theo Vietnamnet |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|