Tốt nghiệp trung cấp nhưng nhờ ngoại hình đẹp và tài ăn nói, Vân xin được việc làm tốt trong một công ty liên doanh. Phần vì lười học, phần vì bằng lòng với mức lương hiện tại, Vân kết hôn mà không có ý định học tiếp. | |
Bước về nhà chồng, cô luôn có cảm giác lạc lõng vì các thành viên trong nhà đều ít nhất có một bằng Đại học (dù là hệ tại chức). Vân nghĩ, có thể, mẹ chồng sợ con dâu học vấn thấp thì cư xử kém, khó nuôi dạy con hoặc biết đâu sẽ bị đuổi việc, phải ăn bám chồng.
Mẹ chồng Vân hay khen ngợi: “Chị An mới ngoài 40 tuổi đã lấy được bằng Tiến sĩ” hoặc chê bai: “Thằng đó chỉ học hết cấp III, chứ tài cán gì” về người này, người kia trong họ. Cũng có khi, đang xem tivi thì bà than thở: “Nhiều đứa có điều kiện mà chẳng chịu học trong khi bao nhiêu đứa nghèo muốn học không được”. Những điều đó khiến Vân nghĩ ngợi.
Dù không bị mẹ chồng ghét hoặc coi thường ra mặt nhưng Vân biết, mình không phải mẫu con dâu mơ ước của bà. Đã có lúc, Vân muốn đi học buổi tối, kiếm một cái bằng cho mẹ chồng vui lòng nhưng cô lại thấy vô ích, vì công việc hiện tại không cần dùng đến. Hơn nữa, nếu xin đi học thì điều Vân lo lắng là việc nhà sẽ “đẩy” hết sang cho bố mẹ chồng, rồi sau này ai lo chuyện chăm con cho cô…
Cùng hoàn cảnh như Vân, Thùy (Đống Đa, Hà Nội) cũng không có bằng Đại học sư phạm (như mẹ chồng thích) mà chỉ có chuyên ngành Cao đẳng mầm non.
Thùy cho biết: “Mẹ chồng thích con dâu làm giáo viên vì có nhiều thời gian chăm sóc chồng, con. Nhưng tôi làm cô nuôi dạy trẻ ở trường tư thục thì bận rộn suốt. Thời gian nghỉ không thể nhiều bằng giáo viên các cấp khác”.
Trước đây, cả bố mẹ chồng Thùy đều là giáo viên dạy Toán cấp III. Vì em chồng và chồng làm kinh tế nên các cụ rất thích có con dâu là giáo viên, để có người cùng chí hướng tâm sự. Tiếc rằng, Thủy không đáp ứng được mong đợi này của mẹ chồng.
“Cũng muốn học lên cao nữa nhưng thời gian eo hẹp quá. Biết đâu, có được tấm bằng Đại học thì mẹ chồng sẽ hài lòng hơn” - Thùy tâm sự. Ý định học lên của Thùy vẫn còn dang dở vì cô đang mang bầu, khá mệt mỏi. Ngoài ra, Thùy còn tự ti vì năng lực của bản thân không đủ, sợ thi không đỗ, khiến nhà chồng “cười chê”.
Tránh căng thẳng vì không đủ “chuẩn”
Có mẹ chồng không vừa ý với ngoại hình, tính cách của con dâu thì cũng có người không vừa lòng với nghề nghiệp hay trình độ học vấn của con dâu. Những điều này đều khiến nàng dâu ít nhiều bị tổn thương và mặc cảm.
Tuy nhiên, con dâu không cần quá lo lắng vì mải nghĩ cách làm hài lòng mẹ chồng. Nếu biết mình có điểm yếu gì thì cần từ từ khắc phục. Đầu tiên là để hoàn thiện bản thân, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tiếp đến là để thích nghi, hòa hợp và được nhà chồng tin yêu. Những điểm này đều có lợi cho người vợ, nhất là khi sống chung với nhà chồng.
Còn chuyện học tiếp hay không thì con dâu nên xem xét đến bản thân trước, chứ không phải học “đối phó” hoặc cố làm vừa lòng mẹ chồng. Mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu và giá trị riêng. Điều quan trọng là làm sao sống tốt với nhà chồng, chứ không phải gồng mình thành người khác.
Nếu có điều kiện thì bàn với chồng và nhà chồng để học thêm. Chuyện này rất có lợi vì nó giúp con dâu phát triển được sự nghiệp lại khiến con dâu tự tin hơn trong nhà chồng. Nếu không thì cố gắng trau dồi chuyên môn, có thu nhập chính đáng để không mang tiếng “lười nhác, ăn bám chồng”.
Theo Ngọc Bình Mẹ và bé |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|