“Bình thường giờ này em đã ăn xong cùng bố mẹ, em trai ở nhà, ngồi trò chuyện một lúc là lên phòng học bài. Hôm nay em về chắc phải ăn một mình rồi”, Ngân thổ lộ.
Cô gái trẻ đi học lúc 16h30 khi bố mẹ còn ở chỗ làm và trở về nhà gần 20h, lúc cả gia đình đã dùng xong bữa tối. Theo giờ học này, em sẽ hiếm khi có thời gian sum họp và dùng cơm với các thành viên trong nhà.
Phụ huynh, học sinh ngấp ngóng khi tan học lúc hơn 7h tối tại trường cấp 3 Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Minh Thùy. |
Sốt ruột đứng đợi cậu con trai lớp 10 tan học tại cổng trường Yên Hòa, chị Nhâm (khu đô thị Ciputra, Hà Nội) chia sẻ: “Vợ chồng tôi cùng cô con gái út vừa phải ăn cơm vội để kịp đi đón cậu anh. Lát con về phải ăn một mình thôi, vì cả nhà không thể đợi được, phải cho cô em ăn trước còn học bài”.
Chị Nhâm cho biết, chồng chị đi làm công sở, chị ở nhà nội trợ và đảm nhận nhiệm vụ đưa đón con đi học nên không gặp khó khăn gì nhiều khi cả hai con đều thay đổi giờ học, có điều, vì lệch múi giờ, nên cả nhà chị sẽ không còn được ăn cơm cùng nhau nữa. “Cả ngày mỗi người một việc, đã chẳng có thời gian dành cho nhau, thường chỉ bữa tối là đông đủ thì bây giờ cũng lại phải chia hai bữa rồi”, chị Nhâm bày tỏ.
Đứng đợi tới 15 phút mà không thấy con đâu, trong khi sân trường đã tắt hết đèn và vắng hoe, bác Tân (Dịch Vọng, Cầu Giấy) không giấu nỗi nỗi lo lắng cho cô con gái học lớp 10 của mình. Bác Tân cho biết, bình thường, con út của bác vẫn tự đạp xe tới trường, nhưng hôm nay, do cháu tan muộn, vợ chồng bác lo lắng nên dặn con đứng chờ, bố sẽ tới đón.
“Trước giờ mình không cho con dùng điện thoại, sợ cháu không tập trung học tập. Giờ thì sốt ruột quá mà chẳng biết làm thế nào mà liên lạc với con”, bác Tân vừa nói vừa dáo dác nhìn quanh. Cho tới khi thấy cô con gái từ phía xa lững thững đi lại, bác mới thở phào.
“Con về muộn thế này sinh hoạt gia đình xáo trộn nhiều quá. Vợ chồng tôi đều làm nhà nước, 17h đã về rồi. Trước đây thì bố mẹ dọn dẹp nhà, nấu nướng đợi con đi học về là ăn cơm luôn lúc 18h. Nay cháu về muộn, bố mẹ ngồi nhà vừa sốt ruột vừa thương con đói”, bác Tân nói.
Một nam sinh lớp 11 trường cấp 3 Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đợi bố đến đón lúc 7 rưỡi tối. Nhà em ở tận Kim Liên. Ảnh: Minh Thùy. |
Ngay trong ngày đầu tiên Hà Nội điều chỉnh giờ học, giờ làm, nề nếp sinh hoạt của nhiều gia đình đã ít nhiều xáo trộn. Sự thay đổi này cũng tác động tới nhiều thầy cô giáo.
Đứng ở cổng trường đợi cho tới lúc học sinh cuối cùng ra về lúc 19h20, cô Nguyễn Thị Thùy Anh, hiệu trưởng trường phổ thông trung học Yên Hòa cho biết, để chuẩn bị cho học sinh phải tan muộn hôm nay, trường đã thuê người lắp hệ thống đèn cho khu sân trường và mua thêm máy phát điện đề phòng mất điện. “Mình chỉ có thể lo cho các cháu đủ ánh sáng trong trường thế thôi, còn cả đoạn đường dài các em về nhà thì không biết làm sao”, cô Thùy Anh nói.
Tối 1/2, ngoài các giáo viên có tiết dạy, cô cùng 3 hiệu phó cũng ở lại trường cho tới khi học sinh về hết. “Giờ này mình về không biết đã có cơm ăn chưa. Bình thường, mình ra về lúc gần 5 rưỡi rồi nấu nướng đợi ông xã và hai con (đang là sinh viên) về ăn cơm. Hôm nay đã ‘bàn giao’ việc nấu nướng cho chồng nhưng không biết sao đây”, cô Thùy Anh chia sẻ.
Trường trung học phổ thông Tây Hồ là một trong số những trường cấp 3 chiều 1/2 bắt đầu đổi giờ học. Anh Hùng, ở Hàng Đào, Hoàn Kiếm, có con đang học lớp 10 tại đây cho biết, nhà ở xa trường nên cô con gái anh phải đi học bằng xe bus. Bình thường, nếu bắt xe thuận lợi, xe không bỏ bến thì cũng phải mất 45 phút, nếu không thì cũng phải một tiếng mới về đến nhà. Như thế thì khoảng 7h tối cả nhà bắt đầu ăn cơm. Thế nhưng theo giờ học mới thì lúc đó cháu mới bắt đầu rời trường.
“Điều đó thực sự gây xáo trộn rất nhiều. Hôm nay 8h tối cháu mới về đến nhà, 8h30 mới bắt đầu ăn cơm. Thế mà sáng mai, con lại còn phải đi học, một tuần 3 buổi như thế. Kiểu này chắc đêm nay, vợ chồng tôi phải động viên cháu cố gắng thức đêm mà làm bài vậy chứ biết làm sao được”, anh Hùng buồn bã nói.
Chiều đi học, con gái anh phải bỏ thêm một chiếc bánh mì vào trong cặp để ăn trên đường ngồi xe bus về nhà vì sợ đói. Chưa kể, anh còn canh cánh nỗi lo con về muộn, đứng đợi ở bến xe bus vắng người, nguy hiểm.
“Dù rất lo, nhưng tôi cũng không thể sắp xếp thời gian đến trường đón con được. Tôi làm lái xe nên thời gian không được tự do, còn vợ thì giờ đấy cũng phải ở nhà để trông hai đứa nhỏ, cho chúng ăn sớm vì đợi chị thì đói quá”, anh Hùng buồn bã nói.
Minh Thùy - Nam Phương