Hôm nay, 27/2/2012, một ngày đặc biệt. Một ngày đặc biệt bắt đầu bằng một việc đặc biệt. Mẹ đưa con đi khám lại ở Bệnh viện Nhi TƯ Hà Nội. Lâu lắm rồi, con mới quay trở lại viện Nhi, khoa Phục Hồi chức năng - Vật lý trị liệu để gặp bác sĩ Giang. Con vẫn nhớ và con đi tụt lùi dần, tụt lùi dần...
Hôm nay là ngày Thầy thuốc Việt Nam. Viện vẫn đông như thường lệ nhưng có thêm những bó hoa tươi lấp ló đâu đó. Những bóng áo trắng vẫn nhanh chóng đi lại. Một ngày như mọi ngày, vẫn hàng dài bệnh nhân ngồi chờ đến lượt. Kỷ niệm cũng ùa về. Ngày đó, con chưa hợp tác như bây giờ. Con rất sợ khi vào viện. Con thường không thoải mái nên luôn tỏ thái độ bằng cách khóc rất to, và chỉ chực ngồi phịch xuống giữa đường.
Ngày đó, quãng đường từ chỗ gửi xe đến khoa dài lắm, đo bằng nhiều tiếng khóc, bằng những lần con giằng tay mẹ chạy ngược ra, bằng những lần mẹ lấy hết sức để bế con lên. Bao nhiêu ngày, bất kể nắng, mưa ròng rã..
Hôm nay, con đã hợp tác hơn. Con vẫn nhớ những kỷ niệm cũ, chắc chắn thế. Với con, với chứng bệnh tự kỷ, những kỷ niệm đặc biệt hay khắc sâu và nguyên vẹn theo thời gian. Nhưng con đã tự nguyện bước theo mẹ. Mẹ chỉ thỉnh thoảng nói với con những thứ mà con thích để khích lệ con, "Ben Ten 1o là Ben Mười, Ben Mười là Ben một chục và o đơn vị" và con thích cụm từ "0 đơn vị", chắc do âm sắc ngộ nghĩnh của nó. Mẹ cũng hứa bao giờ xong, mẹ sẽ mua cho con sôcôla nữa. "Chôcôla", tiếng con ngọng ngịu, líu ríu nhắc lại và bước chân của con nhanh dần.
Bác Giang vẫn thế chỉ có tuổi hơn một chút thôi. Dăm năm trước, mẹ ngập ngừng hỏi bác "Chị ơi, liệu con em có nặng không ạ?" Hỏi thì hỏi thế thôi, chứ trong lòng mẹ cũng nắm được câu trả lời "Nặng" rồi. Bác liếc nhìn mẹ một chút, chắc là để phỏng đoán khả năng chịu đựng, rồi bác nói: "Ca này cũng phức tạp đây".
Gặp lại sau bao nhiêu năm, con cũng có tiến bộ hơn một chút. Con biết trả lời vài câu đơn giản như cái bút, màu xanh... Câu nào không đơn giản với con thì con đơn giản là lặp lại những từ mà con nhớ được. Một số câu trả lời của con thì theo "công thức tự kỷ". Ví dụ, bác hỏi "Con ăn sáng chưa?" thì con trả lời "Rồi ạ" vì nếu câu hỏi kết thúc là "chưa" thì con sẽ luôn trả lời là "rồi ạ".
Bác cũng hỏi là con ăn gì bữa sáng nay, thì con định không trả lời và khi bác hỏi lại thì con quyết định trả lời là "Phở", mặc dù phở là món con đã ăn bữa sáng trường kỳ, không sót một ngày nào, ở quán bác Hạnh trong hơn 1 năm và đã vài năm nay con chưa từng ăn lại lấy một lần. Nói chung với tự kỷ, "khiếm ngôn" là phổ biến, có bạn nói được nhiều nhưng không đa dạng.
Có bạn nói nhiều nhưng không hiểu nghĩa. Có bạn không nói được từ nào. Còn con ở đoạn thấp thấp nửa dưới, tức là nói được tí ti, từ vựng ít và phát âm không rõ, không tròn, không hiểu nhiều và không đủ để giao tiếp. Con cũng nhiều lúc muốn chạy lung tung, nói linh tinh những thứ để cho tự con cảm thấy đỡ căng thẳng hoặc hét to và không chịu ngồi yên. Nhưng so với vài năm trước thì thế quá là đỉnh rồi.
Mẹ cũng nhớ ngày con mới được chẩn đoán, có một lần mình đến gặp bác Thúy Minh, khoa tâm bệnh cũng vào ngày đặc biệt, ngày 8/3. Hóa ra, tự kỷ vẫn có duyên của nó, rất nhiều hoa và nhiều sắc màu rực rỡ.
Hôm nay, cả hai mẹ con không còn khóc nữa. Không hẳn do nước mắt đã cạn khô, nhưng chúng ta luôn cố gắng nhìn cuộc sống theo cách tích cực nhất. Ví dụ, đối với mẹ, là con đã tiến bộ hơn nhiều. Còn đối với con, là con đã cố gắng nghĩ đến thanh sôcôla mà mẹ hứa sẽ mua tặng. Mẹ luôn nhớ đến tên blog của mẹ Tồ rằng “Cuộc sống thật tươi đẹp”, ta hãy cố gắng nhé, con trai!
Mãi rồi mới nhờ được người sửa lại di động để nhắn tin chúc mừng những người quen trong ngành y. Mẹ đã định nhắn từ sáng sớm đấy, nhưng không thể nhắn được. Đó là bác Nga ở khoa Nhi Xanh-Pôn, nơi trước đây con từng phải nhập viện rất nhiều lần để truyền nước do tiêu chảy nghiêm trọng. Đó là bác Tú ở viện Nhi, người đã giúp con cắt đứt những tháng ngày dài lê thê do phế quản co thắt. Đó là bác Tuyết Lan ở Viện C, người đã giúp con chào đời. Là cả cô Lan, bạn của mẹ ở Bạch Mai, người mà mẹ còn chưa kịp đến thăm em bé mới sinh của cô ấy. Là bác Phương khoa Dị ứng Bạch Mai, người đã chỉ cho mẹ làm xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân dị ứng, mẹ bị dị ứng với lông động vật, và khi chuyển con John sang nhà ông, mẹ đã gần như không còn phù nề do dị ứng nữa. Là chú Thành ở viện Lão khoa, người đã cứu nguy khi bố đi công tác, bà giúp việc bị ốm đột xuất mà con thì đang trong giai đoạn khó khăn...
Danh sách cám ơn của hai mẹ con mình luôn dài và vô tận như vậy đấy.
Và còn rất nhiều người nữa mà mẹ còn chưa nhớ hết... Và thật may để có ngày này, ngày Thày thuốc Việt Nam, để ta gửi lời cám ơn đến tất cả những người y bác sỹ ta đã gặp trong cuộc đời. Ta vẫn cố nhớ rằng “cuộc sống thật tươi đẹp”, và những người ấy là những người đang giúp làm cho cuộc sống này tươi đẹp hơn.
Hà DươngCLB Gia đình trẻ Tự kỷ Hà Nội
Cùng tác giả:
Đứa con tự kỷ của mẹMất 5 năm mới hiểu được conSống chậm nhé, con traiTìm đâu mái trường cho trẻ tự kỷ?Những điều ước cho đứa con đặc biệtCuộc chiến với bệnh tự kỷ của con
Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không dấu