Rau má có tên khoa học là Centella asiatica, là một loại thảo mộc xanh tươi quanh năm, thuộc họ Apiaceae, có nguồn gốc từ châu Á và các đảo Thái Bình Dương. Rau má được sử dụng như thảo dược trong y học cổ truyền Trung Hoa và Ấn Độ. Tại những nơi này, rau má còn được gọi là “rau cọp”, bởi khi bị thương các mãnh thú thường lăn vùi vào để xoa dịu vết thương.
Từ ngàn năm nay rau má nổi tiếng do tác động đến hệ thần kinh và được sử dụng như một chất kích thích trí tuệ, trị liệu các cơn động kinh, ngăn ngừa giảm trí nhớ và là chất gây ngủ đối với các bệnh thần kinh. Tại Madagascar, người ta dùng nước hãm rau má để chữa các bệnh ngoài da - kể cả bệnh hủi, thúc đẩy liền sẹo và chữa các bệnh về tóc.
Ngoài các thành phần chủ yếu như beta caroten, calcium, sắt, ma giê, mangan, phosphor, potassium, kẽm và vitamin B1, B2, B3, C, K thì rau má còn có asiaticosid, alcaloid, tanin, acid amin tự do saponin được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm để giảm rạn nứt da do thai kỳ hay thừa cân và viêm mô mỡ thừa. Theo Indian Journal of Pharmacology, dùng lá rau má tươi giã nát để đắp lên các vết thương và vùng loét ngoài da có hiệu quả rất tốt, hoặc hằng ngày nhai 2 lá rau má có thể xoa dịu các cơn đau do hư khớp.
Rau má ngoài cách xay lấy nước uống giải khát, hạ sốt, nấu canh tôm, trộn salad với thịt bò xào, còn đem muối dưa rất ngon. Chọn rau má già, loại mọc tự nhiên càng tốt, rửa sạch và nhúng tái qua nước sôi. Pha nước đun sôi để nguội với đường, giấm, muối thành hỗn hợp nước chua mặn ngọt vừa miệng, cho thêm tỏi để nguyên nhánh và ớt để cả trái hoặc băm nhỏ. Gắp toàn bộ rau má đặt vào hũ thủy tinh, đổ nước vừa pha cho ngập rau, đóng nắp lại. 1-2 ngày là có thể ăn được.
Lưu ý: Ăn hay uống quá nhiều nước rau má có thể gây choáng. Những người có dùng thuốc hạ đường huyết, thuốc giảm đau hay hạ huyết áp nên thận trọng bởi rau má có thể làm tăng tác dụng của thuốc.
Minh Quân
>> Dùng nhiều rau má có gây mất máu? >> Thuốc hay từ cây rau má lá rau muống >> Những lợi ích từ rau má >> Rau má