Không kể lể thì bạn cũng hiểu được tôi buồn bã đến nhường nào. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra rằng nếu cứ nằm rên rỉ theo nỗi đau thì rốt cuộc cũng chẳng được gì. Đau đớn đâu nương tha cho tôi, mấy viên thuốc giảm đau càng làm bệnh tình tôi thêm trầm trọng, vô phương cứu chữa. Cầu nguyện thượng đế thì ngài ở xa quá không nghe thấy.
Rồi câu danh ngôn của De Charnage như là chiếc phao cứu sinh cứu vớt linh hồn tôi. “Bạn đau khổ: bạn hãy nhẫn nại. Đau khổ hiện giờ không thiệt cho tương lai bạn. Bạn không khát vọng quá cũng không sợ hãi quá. Bạn coi sự thanh thản tâm hồn như một quả quý, nhờ đau khổ làm cho nó cứng rắn và chịu đựng thản nhiên muôn nghìn rắc rối của cuộc đời”.
Thế là may mắn biết bao, tâm hồn tôi được cứu rỗi, đó thực sự là bước ngoặt khi mà gần như mọi thứ đang muốn sụp đổ dưới chân tôi. Nhưng sống là phải chiến đấu với cái xấu, với khổ đau, với cả chính mình nữa, tôi phải tự vực mình dậy từ đống đổ nát của cuộc đời tôi. Và tôi tin rằng tâm hồn tươi sáng có thể làm sống lại thể xác mục nát.
Tôi tự an ủi mình rằng còn có rất nhiều người chịu hoàn cảnh bi đát hơn mình mà vẫn sống hiên ngang, sống có ích, thật đáng nể trọng và học tập, chẳng lẽ mình kém họ. Vẫn còn quá nhiều may mắn đối với tôi nếu so sánh với một ai đó, chí ít thì tôi vẫn còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời, tôi không thể để đầu óc mình chìm trong tối tăm được.
Vui hơn là tôi vẫn còn cả đôi tay để tự bưng bát cơm ăn, vẫn còn đôi chân để bước dù đi lại quá khó khăn nhưng đáng mừng là tôi không bị lệ thuộc vào cây gậy chống hay chiếc xe lăn, như thế là hạnh phúc lắm rồi. Sao tôi không biết quý trọng bản thân mình chứ, sao tôi không biết hài lòng với những gì mình có chứ? Đáng ra mình có thể làm tốt hơn họ chứ!
Tôi tự hỏi mình nếu ở vào hoàn cảnh bị đui mù, cụt tay, què chân thì sao nhỉ, thật không thể tin nổi. Ấy vậy mà những người tàn tật đó ở xung quanh tôi, họ sống thế nào, vẫn vui vẻ và hạnh phúc đấy thôi, họ không kêu ca hay than vãn gì về khuyết tật của họ, họ vẫn có thể lao động, làm những việc thật hữu ích. Hơn thế, nhiều người tật nguyền nhưng lại có những sáng kiến thật phi thường khiến nhiều người lành lặn phải nể phục biết bao. Những con người đó trở thành vĩ đại trong lòng tôi, tôi ngưỡng mộ họ. Tôi dặn lòng từ nay không cho phép mình đau khổ thêm nữa, dù những đau đớn trong thân thể chưa lúc nào buông tha tôi.
Tôi bắt đầu cố gắng làm những việc nhỏ lặt vặt, nhẹ nhàng để biết chắc chắn rằng mình đang tồn tại và tồn tại có ích. Tôi đề ra cho mình phải cố gắng dậy sớm nếu trong người không quá mệt. Trước khi ra khỏi giường, tôi phải tự mình xếp đặt chăn, màn, gối, chiếu thật gọn gàng, coi đó là bài tập thể dục buổi sáng đầu tiên trong ngày. Thật chậm chạp và khó khăn nhưng chẳng sao cả, tôi cười để khích lệ bản thân mình, đôi khi còn tự chế giễu mình nữa, trong “Tôn Tử binh pháp” gọi đó là kế “khích tướng”.
Bạn cứ thử xem, rất hiệu quả đấy! Bạn không tưởng tượng được sự lộn xộn và hoang tàn trong phòng ngủ của tôi đâu. Mấy đứa em gái của tôi không lúc nào là không kêu ca thằng anh “chán đời” quá! Nhưng bây giờ điều đó không còn nữa.
Tôi để ý hơn trong việc ăn uống để khỏi mất sức. Từ khi ốm đau liệt giường, những cơn đau đớn hành hạ làm sức lực tôi giảm sút một cách thê thảm. Ngày nào tôi cũng soi gương để hạ quyết tâm không thể để cho cơ thể “xuống dốc không phanh” như thế này được, đó là điều sỉ nhục cho nam nhi. Tôi thường kéo em gái tôi lại trước gương và nói vui cùng em như thế.
Không khí trong gia đình vui trở lại là niềm động viên vô cùng lớn cho cuộc sống của tôi. Có ai đó nói rằng “nếu khóc và cười để sống thì hãy cứ cười đi còn hơn là phải khóc”. Tôi thấy thật có lý và chợt nhận ra rằng mình đã từng quá yếu đuối, không thể cười nổi, nói đúng hơn là tôi đã từng đánh mất đi tiếng cười của chính mình, cái buồn nản đó đã làm thui chột đi biết nhường nào cái cao quý của một con người. Nhưng mừng biết bao nhiêu vì từ bây giờ sự mạnh mẽ và vui vẻ đã chiến thắng tuyệt đối.
Có câu danh ngôn nào đó dạy rằng “Hãy tự cứu mình trước rồi trời sẽ giúp anh sau”, hay “Hãy tự cứu mình trước khi người cứu” càng khiến tôi tin rằng người quyết định vận mệnh của mình không ai khác chính là bản thân mình.
Tôi tìm tòi những kiến thức y học liên quan tới bệnh của mình, chủ yếu là những cuốn sách trong tủ sách của điểm bưu điện văn hóa xã tôi, ở đó tôi tìm thấy những tài liệu về giáo dục sức khỏe thật bổ ích, đặc biệt tôi tự học phương pháp bấm huyệt tự chữa bệnh cho mình từ những trang sách được đọc mà không mất tiền ấy. Tôi thấy mình thật hạnh phúc, vì chưa biết kết quả tới đâu, nhưng tự mình cứu lấy mình thì còn gì bằng, nếu được bình phục thì tôi sẽ không còn là gánh nặng lên đôi vai gầy của cha và ánh mắt trũng sâu lo lắng của mẹ nữa.
Tôi miệt mài đọc và tự học. Vậy là hy vọng lại nhen nhóm lên tia lửa tươi sáng trong cuộc đời tôi. Càng tin tưởng chắc chắn hơn khi có một câu danh ngôn dạy rằng: “Hy vọng và kiên nhẫn là hai phương thuốc linh nghiệm, là sự nghỉ ngơi hoàn toàn chắc chắn, là cái gối tựa êm ái nhất trong lúc khốn cùng”. Tôi đặc biệt chú ý đến các kênh phổ biến kiến thức về y tế và sức khỏe trên radio và tivi. Dù bị bệnh tật đày đọa nhưng tôi vẫn vui vì tôi đang làm chủ được mình.
Tôi tự tạo thêm niềm vui cho mình bằng cách nhờ bạn mua một bộ ống giác hơi về tẩm quất, giác hơi cho người nhà, bạn bè tôi khi họ tới chơi. Thật tuyệt khi mà tôi không có tiền mời bạn bè cà phê thì việc làm đó đã giúp tôi đáp nghĩa với bạn bè, cám ơn họ vì họ đã rất quan tâm tới tôi. Điều đó khiến tôi thật nhẹ lòng. Thế là từ chỗ tự học để chữa bệnh cho mình thì nay tôi lại có thể giúp được người khác, chí ít thì những lúc cha và chú tôi mỏi lưng hoặc cảm cúm thì với bài giác hơi, tôi đã giúp được đấng sinh thành ra mình.
Một ngày đẹp trời và may mắn đã đến với tôi. Đại Huynh, một người bạn trong xóm tình nguyện đến chữa bệnh miễn phí cho tôi. Với một trái tim đầy tình yêu thương con người và thông cảm với hoàn cảnh của tôi, anh dành hết tâm huyết và trí lực để ngày ngày đến xoa bóp và bấm huyệt cho tôi. Anh còn mang đến khí công y đạo, chỉ cho tôi những bài tập khí công phù hợp. Theo như ông cậu tôi, một lương y ở tận miền Nam, thì đó gần như là phương pháp trị liệu hợp lý cuối cùng cho bệnh tình của tôi. Vô cùng cảm động trước tấm thịnh tình của người bạn lớn ấy, tôi nghẹn ngào rơi nước mắt vào trong. Ôi! Cuộc sống vĩ đại với những con người giàu lòng nhân ái và cao thượng khiến sự sống bừng tỉnh reo vang trong từng tế bào, mạch máu của tôi.
Những cơn đau triền miên thường ngày không thấm tháp gì khi so với những cơn đau đớn, nhức nhối và ê buốt lúc anh bạn bấm huyệt. Nhưng nghĩ đến những giọt mồ hôi của người bạn rơi theo từng động tác day, bấm, xoa, bóp trên cơ thể tôi; những nỗi khổ của cha mẹ phải gánh chịu khi tôi lại là đứa con đầu bị bệnh nặng không giúp đỡ được cho gia đình; những chịu thương chịu khó của các em tôi đành gác lại chuyện học hành để phụ tiền cho tôi chữa bệnh; những sự quan tâm của người thân, bạn bè, thầy cô luôn động viên tôi vượt qua hiểm nghèo; và nhất là nghĩ về tương lai tốt đẹp đang chờ mình làm tôi quên đi những đớn đau mà nhiều khi muốn chảy cả nước mắt, nhiều khi phải nghiến răng chịu đựng đến cứng cả quai hàm, toát cả mồi hôi hột vì nhức nhối.
Nếu sợ đau thì các khớp xương của tôi sẽ chết cứng lại, bại liệt vĩnh viễn là điều không thể tránh khỏi. Tôi không muốn như thế chút nào, thế nên tôi không thể hèn nhát trốn tránh đau đớn được. Hằng ngày, tôi còn cố gắng tập thêm các bài tập vận động thích hợp để hy vọng có thể phục hồi sức khỏe. Tôi không thể phụ lòng tốt của những người sống quanh tôi. Họ là mặt trời mang nắng ấm cho cuộc đời tôi.
Ước mơ viết những bài báo hay đang đợi tôi. Tôi không thể thất hứa với nó được. Tôi lại nhớ đến câu danh ngôn của B.Shaw: “Chỉ cần tôi còn có thể mơ ước là tôi còn có lý do để tiếp tục sống”.
Hàng ngày, những cơn đau vẫn hành hạ tôi vào sáng sớm khiến việc tôi thức dậy và ra khỏi giường là không hề dễ dàng. Nhưng nằm lì và sợ đau đồng nghĩa với việc tôi tự đào huyệt chôn mình. Buổi sáng là lúc đầu óc tỉnh táo và thư thái nhất để có thể sửa chữa những bài viết đang dang dở, đó cũng là lúc có thể nảy nở những tứ thơ mới, những ý văn lạ, chúng là động lực lớn thôi thúc tôi mở mắt và tìm mọi cách ra khỏi giường.
Có một câu danh ngôn dạy rằng “Chẳng có giấc mơ nào trở thành hiện thực nếu bạn không thức dậy làm việc”. Còn bạn, chắc chắn trong bạn nhiều ước mơ vẫn chưa hoàn thành? Vậy còn chần chừ gì nữa mà không đứng dậy và thực hiện ước mơ của mình. Chúc bạn thành công!
Phạm Anh Xuân(Quảng Bình)