Hồi nhỏ, nhà nghèo quá đỗi. Mỗi ngày ba phải còng lưng trên chiếc xích lô làm thân gà trống nuôi đàn con năm đứa. Gia đình vào thời điểm ấy rất chi là hoàn cảnh mình không tiện kể. Chỉ nhớ mỗi cái chảo nhôm nhỏ móp méo được ba chế vô miếng nước mắm, một ít đường và bột ngọt rồi kho cạn lại làm món mặn ăn với cơm.
Năm chị em chúng tôi mỗi đứa một tô cơm trắng, năm cái muỗng quẹt lấy quẹt để. Món nước mắm kho khô kẹo kẹo mới ngon làm sao. Vừa ăn vừa hít hà, có đứa buông tô cơm, lấy tay quẹt mồ hôi hột ngang trán, có đứa kéo áo lau mũi... Đó là món ăn đơn giản và ngon lành nhất đối với gia đình chúng tôi khi bé.
Kho nước mắm với chút đường, chút bột ngọt, chút tiêu xay và vài miếng tép mỡ là đã ngon đáo để. Hồi đó dùng bếp củi nên sau khi nấu cơm chín, ba tận dụng chút than còn sót lại để bắc chảo nước mắm lên kho. Chỉ cần cầm chén chạy ra quán tạp hóa đầu ngõ mua một chén nước mắm đầy, vừa bưng về vừa chấm ngón tay vào nếm thử. Vị mằn mặn của muối và mùi nước mắm không được thơm như các loại nước mắm bây giờ.
Bắc chảo lên bếp than, ba tôi đổ nửa chén nước mắm vào, cho ít đường, ít bột ngọt, ít tiêu… Hôm nào mỡ nước gần hết, ba tôi nghiêng lọ vét vài miếng tép mỡ vàng rộm cho vô chảo kho quẹt. Lửa than vừa tàn lụi cũng là lúc chảo kho quẹt sánh lại, chung quanh rìa chảo lớp nước mắm bốc hơi bám vào đặc cứng, ở giữa chảo nước mắm sủi bọt tạo thành những ván rỗ tròn. Mùi nước mắm kho bay khắp gian bếp nhỏ. Ở đó, trên bộ vạt tre ọp ẹp được đặt cạnh bếp, năm chị em chúng tôi mỗi đứa tay bưng một tô cơm trắng, tay kia cầm một chiếc muỗng và…chờ.
Vào những ngày mưa dầm, mưa lê thê. Một bữa cơm trắng, cá kho đối với ba là cả vấn đề nan giải vì năm đứa con nheo nhóc ở tuổi ăn tuổi học. Mẹ tôi đi biệt không về nữa. Ba đợi chờ mòn mỏi rồi cũng thôi. Hôm nào gặp mối lớn thì trưa ba về sớm, bên hông xe treo tòn teng con cá hồng biển còn duy nhất phần đầu và bộ xương. Đó là món ăn sang trọng nhất chúng tôi có được.
Cá hồng biển nấu canh ngót, nồi canh “giàu có” mênh mông như đại dương. Ba vừa quệt mồ hôi trán vừa cười: “Ba tập cho mấy đứa biết thế nào là canh đại dương, hồi đó đi bộ đội bên Campuchia ba ăn canh đại dương còn mênh mông hơn như vậy”. Rồi chao trắng dầm ớt cay, rồi trứng vịt muối luộc, trứng chiên mặn, có hôm chỉ là chén muối sả được đâm chung với ớt, vắt miếng chanh cho chua chua rồi trộn đều, món này ăn cũng bắt cơm lắm…Những bữa cơm tuềnh toàng ngày bé đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi đến tận bây giờ. Và nhờ thế, “kho tàng” về các món ăn dân giã đã luôn đầy ăm ắp trong tâm hồn người làm bếp như tôi.
Bây giờ kho quẹt "lên sàn" rồi. Vào nhà hàng, quán ăn gọi một dĩa cơm cháy và kho quẹt coi như là mình sành ăn, biết chọn món "đặc sản" đặc sệt chất quê. Kho quẹt bây giờ được kho bằng thịt ba chỉ cắt nhỏ và tôm khô, rưới miếng mỡ nước, rắc chút tiêu sọ được đập dập và một tép tỏi nguyên, vài trái ớt hiểm, vài cọng rau răm. Gọi kèm theo kho quẹt một dĩa rau củ luộc gồm có bầu, bí, khổ qua, củ cải, củ su hào, rau lang, rau muống luộc chín. Cứ hăm hở quẹt vào cái tộ sứ được tráng men kỹ lưỡng mà chạnh lòng nhớ ngày xưa bưng chén ra tiệm mua vài trăm đồng nước mắm….
Có thể vì mình đã lớn lên từ những giọt mồ hôi của ba, lớn lên từ những bữa cơm cháy, kho quẹt mà dư vị của nó đã ăn sâu vào huyết quản, cho nên cuộc sống sau này có đủ đầy mình vẫn thấy thèm, thấy nhớ cái chảo nhôm móp méo, sứt quai được chế nước mắm kho cạn rồi múc một tô cơm trắng, ngồi bệt xuống ngạch cửa và...quẹt.
Võ Thụy Như Phương
Cùng tác giả: Bi hài đám giỗ nội/ Trên một chuyến xe
Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không dấu