Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Người thầy từng ở bên kia chiến tuyến
Thầy mang trong lòng mình một mặc cảm tội lỗi bởi vì thầy đã từng đứng ở bên kia chiến tuyến mặc dù thầy chưa bắn một viên đạn nào vào người Việt. Mặc cảm tội lỗi ấy đã không cho phép thầy được sống yên ổn ở tổ quốc của mình sau chiến tranh và thầy đã quay lại Việt Nam...
Người thầy từng ở bên kia chiến tuyến Thầy mang trong lòng mình một mặc cảm tội lỗi bởi vì thầy đã từng đứng ở bên kia chiến tuyến mặc dù thầy chưa bắn một viên đạn nào vào người Việt. Mặc cảm tội lỗi ấy đã không cho phép thầy được sống yên ổn ở tổ quốc của mình sau chiến tranh và thầy đã quay lại Việt Nam...

Thầy Peter Leonard kính mến,

Thưa thầy, mỗi lần con có dịp vào Sài Gòn công tác là một lần con lang thang trên đường phố. Con trông đợi ở một sự tình cờ như một phép màu để thầy trò mình được gặp lại nhau. Vậy mà bao năm đã trôi qua con vẫn chưa được gặp lại thầy.

Con hiểu thầy mang trong lòng mình một mặc cảm tội lỗi bởi vì thầy đã từng đứng ở bên kia chiến tuyến mặc dù thầy chưa bắn một viên đạn nào vào người Việt. Mặc cảm tội lỗi ấy đã không cho phép thầy được sống yên ổn ở tổ quốc của mình sau chiến tranh và thầy đã quay lại Việt Nam.

Thầy đã bắt đầu lại cuộc đời mình bằng một chuyến tàu ra miền Bắc. Trên chuyến tàu ấy, lòng thầy đầy hoang mang, lo lắng và sợ hãi cho đến khi gặp một cựu chiến binh ở bên này. Thầy và ông ấy đã ôm nhau trong vòng tay và đã chia sẻ với nhau rất nhiều điều. Có lẽ chính từ khoảnh khắc đáng nhớ ấy thầy đã mở lòng với người Việt và thầy đã quyết định cống hiến một nửa cuộc đời còn lại của mình cho đất nước Việt Nam.

Thầy đã cưới một người phụ nữ Việt nhưng vợ thầy lại thích cuộc sống ở Mỹ hơn nên thầy đành chấp nhận một cuộc sống nay đây mai đó. Thầy đã dậy tiếng Anh cho bao nhiêu học sinh Việt như chúng con, con không biết chính xác nhưng con số ấy hẳn là rất lớn.

Ngày ấy đã cách đây hơn mười năm rồi, tiếng Anh chưa thực sự là một môn học được mọi người đề cao như bây giờ, đồng lương dậy học của thầy thật là ít ỏi. Con biết rất rõ điều đó khi chúng con được thầy mời đến nhà ăn cơm tối. Căn phòng thầy thuê thật tồi tàn và nhỏ bé, nó chỉ rộng hơn một căn gác xép, vừa đủ để thầy kê một chiếc giường, một chiếc tủ và một chiếc bàn làm việc. Cũng may là trước cửa căn phòng ấy có một cái sân thượng nên chúng con đã có chỗ để ngồi. Bữa tối hôm ấy thầy đã tự tay làm món mì xào để mời chúng con, còn các cô học trò thì làm món thịt gà trộn bắp cải. Bữa tối chỉ có hai món ăn đơn giản mà sao ngon miệng đến thế. Có lẽ cái cảm giác ngon miệng ấy không phải vì thức ăn mà vì tất cả lũ học trò chúng con đều rất yêu mến thầy và thầy cũng rất yêu mến chúng con.

Thầy Peter Leonard và những người thân. Ảnh lấy từ cuốn sách "Saigon - A Guidebook" mà thầy là tác giả.

Thầy chia một năm của thầy làm hai nửa: một nửa thời gian sống với gia đình trên nước Mỹ và nửa còn lại giành cho Việt Nam. Thời gian sống cùng gia đình ở nước Mỹ cũng là thời gian thầy lao động vất vả để giành dụm tiền mua vé máy bay sang Việt Nam.

Thưa thầy, con vẫn còn nhớ như in những bài giảng về lịch sử và văn hóa Mỹ mà thầy đã giảng cho chúng con. Thầy nói, “ngày xưa khi người châu Âu mới định cư trên nước Mỹ, mỗi gia đình thường sở hữu một vùng đất rộng lớn và phải đi xa lắm mới gặp được một người. Vì vậy người Mỹ rất vui mừng khi có ai đó gõ cửa nhà mình và ở lại chơi dù cho người đó không hề quen biết”. Con đã từng được biết đến tính mến khách ấy của người Mỹ khi con sống trên đất nước của thầy.

Con cũng vẫn còn nhớ thầy đã từng hát cho chúng con nghe những bài dân ca Mỹ với cây đàn măngđôlin cũ kỹ. Giọng thầy thật trầm và thật ấm áp. Con cũng còn nhớ ngày chúng con đi thi, thầy dậy từ sáng sớm. Thầy đón chúng con ở cửa phòng thi và ôm từng đứa vào lòng như một người cha, chúc chúng con thi tốt.

Yêu Việt Nam, tổ quốc thứ hai của mình, thầy chẳng những dậy tiếng Anh cho các cô cậu học trò mà còn viết một cuốn sách giới thiệu về Sài Gòn và những nét đẹp của nền văn hóa Việt. Thầy đã tặng cho chúng con mỗi đứa một cuốn sách mà thầy viết bằng tình yêu Việt Nam ấy. Cho đến tận bây giờ con vẫn còn nâng niu cuốn sách quý báu này thầy ạ.

Bằng tất cả những công việc thầm lặng ấy, thầy đã trở thành một sứ giả của hòa bình bởi chính thầy đã xóa đi trong lòng chúng con những hận thù, những hiềm khích còn sót lại giữa hai dân tộc sau một cuộc chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ với bao nhiêu đau khổ và mất mát. Chính thầy đã bắc cho chúng con một cây cầu xây bằng tình thương yêu đồng loại và bằng tri thức để chúng con đến được với những cái hay cái đẹp trên đất nước của thầy.

Thưa thầy, giờ này thầy đang ở đâu? Con muốn gặp lại thầy để nói với thầy rằng 14 đứa học trò của thầy từ ngày ấy đã không phụ công thầy. Tất cả chúng con đã học hành đến nơi đến chốn trên đất nước của thầy. Giờ đây chúng con đã trở về Việt Nam và luôn cố gắng trong mỗi công việc của mình. Chúng con biết ơn thầy nhiều lắm, thưa thầy kính yêu!

Hà nội, 12/11/2011

Học trò năm xưa của thầy,

Phan Bích Thủy

* Vì tôi mất liên lạc với thầy Peter Leonard từ nhiều năm nay nên nếu có bạn đọc nào biết địa chỉ của thầy thì xin báo giúp cho tôi vào blog cá nhân: http://bichthuyhn.blogtiengviet.net Xin chân thành cảm ơn!


Tin đã cập nhật trước đó
   Mẹ, con và nước mắt...
Con mình hiểu biết nhiều hơn, biết vâng, dạ, xin lỗi, cám ơn nhiều hơn… Điều đó không thể đo...

   Đợi lòng mình quên em...
Anh và em của ngày hôm nay đã khác xa với anh và em của 5 năm trước, anh tự...

   Anh đã không chọn em
Nó click chuột, một gương mặt, một cái tên hiện ra. Hai tay nó run run, nó mím chặt môi....

   Tìm chồng
Bởi người ta mong kiếm tìm/ Kẻ xấu bụng lại đặt điều rằng ế/ Nông nổi chi mà cái tuổi...

   Đi lấy chồng nhớ mẹ
Quãng đường từ nhà mẹ về nhà mình bỗng dài bỗng xa, nước mắt ngắn nước mắt dài như bị...

   Trả lại thứ 6
Một ngày chị kể cho em về những mối quan hệ của chị, những cuộc nhậu, những cuộc tình chóng...

   Gặp phải chàng họ Sở
Nó quyết định vào Google và search “Trung tâm nạo hút thai uy tín nhất”, nó đã tìm thấy được...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top