Nghe giọng của mẹ sao mà thương qúa. Không biết với người khác Tết quê hương đọng lại trong ký ức họ những gi,̀ còn với tôi ngày xưa thì tết rất cực, cái cực được đợi chờ và trong ngóng. Ngày đó nhà toàn nấu thức ăn bằng củi nên sắp Tết dì tôi loay hoay với đống nồi chảo. Sau khi qua tay dì chúng trở nên trắng phau sạch bóng. Mẹ tôi thì giặt giũ đám chăn màn mùng mền và tất cả rèm cửa, ngoại tôi thì bận rộn với những nồi mứt mà chỉ cần nhiều chút đường cũng hỏng ngay. Cha tôi sơn lại cái cổng rào và cắt hàng cây kiểng. Tôi và em trai thì vật lộn với cây mai từ nhặt lá đến trong ngóng từng cái nụ bé xíu xinh xinh, gần tết vài ngày tối phải tưới nước cho chúng nở đẹp đúng tết. Nhớ cúng ông táo, sau đó đi tảo mộ trong cái khói hương trầm giữa đồng hoang với đức tin những bậc ông bà luôn theo độ trì cho con cháu.
Cận tết thì nấu nướng, tôi và em trai được giao nhiệm vụ phơi lá chuối sau đó lau và rọc chúng ra xếp ngay ngắn. Khi lại giúp mẹ lột vỏ trứng cho nồi thịt kho, tưới những chậu hoa vạn thọ, chỉ những việc nhỏ như thế nhưng làm với niềm say mê háo hức rằng mình thật sự đang lớn lên.
Ngày ba mươi tết bà tôi luôn bắt chúng tôi ăn cho hết một trái khổ qua, thời đó tôi ghét cay ghét đắng cái món ăn đó, tôi và em trai thường ăn phần nhân dồn thịt còn trái khổ qua thì bao giờ dì tôi cũng ăn giúp. Bà tôi nói ăn món ăn đó là hy vọng những cái vất vả cực khổ đi qua để năm mới vào ngày mai tốt đẹp.
Đêm giao thừa bọn trẻ chúng tôi trải chiếu cạnh nồi bánh tét và luôn ngủ quên nơi ấy để rồi khi đang say ngủ trong cái tí tách và ấm áp của bếp lửa nồng đượm thì được đánh thức dậy cúng giao thừa với cặp mắt hãy còn lơ mơ vì ngủ. Nào có biết khấn vái chi đâu, chỉ biết xì xụp lạy theo bà ngoại để sau khi cúng xong được ngoại cho dĩa mứt hay vài cục thèo lèo là đã vui vẻ lắm rồi.
Sáng mồng một thì phải dậy thật sớm rửa mặt thay áo mới và mừng tuổi để được lì xì. Những bao lì xì ngày đó là một gia tài lớn của bọn trẻ như tôi. Tôi đã từng để dành những đồng tiền mới cứng ấy cho đến tận nhiều năm sau mà không dám dùng. Tôi còn nhớ những kiêng kỵ không được khóc lóc hay cãi nhau, không được quét nhà, không được may vá vào những ngày đó. Chúng tôi cứ răm rắp làm theo như thể có một đôi mắt vô hình đang soi rọi từng hành động của mình.
Những ngày đầu tiên xa quê hương, ngày tết sau khi gọi chúc tết cả nhà là tôi khóc vùi, mặc cho ba mẹ nuôi tôi dỗ dành mua chuộc. Nhiều lúc tôi ước có cánh bay về ngay bởi vì thời gian đó có qúa nhiều thứ ràng buộc cùng nhiều thứ khác khiến tôi không thể đi về.
Với năm tháng cuộc sống thay đổi Tết ngày nay không còn như xưa. Nhà nấu gas, dì tôi không còn phải chùi nồi chảo, mẹ không còn mệt mỏi với đống chăn màn bởi có máy móc thay thế, cha tôi thì mất đi, bà ngoại già nên không làm mứt hay gói bánh tét như ngày trước. Mà trẻ con bây giờ có mấy đứa chịu ăn mứt như chúng tôi ngày xưa, nói chi là thèm thuồng cái vị ngọt ngào của thuở ấy. Tới tận bây giờ tôi vẫn còn được nhận lì xì, phần vì họ tặng lì xì coi như chúc may mắn, đôi khi xã giao trong công việc làm ăn mua bán. Nhưng dĩ nhiên cái tâm trạng ngày nay khác ngày xưa rất xa.
Không biết bao lần tôi thấy thèm đến nao lòng mùi tết, cái không khí tất bật ngày cũ, mùi khi đi lễ chùa đầu năm. Dù bây giờ tôi vẫn đi vào đầu năm nhưng khác xưa là tôi biết cầu xin những điều an lành cho gia đình mình.
Những năm gần đây tôi luôn kết hợp du lịch năm với đón tết ở một quốc gia nào đó ở châu Á, khi thì Trung Quốc, lúc ở Singapore, năm ở Malaysia nơi có rất nhiều người Hoa họ cũng ăn tết cổ truyền như Việt Nam. Thành thật mà nói những nơi đó họ từ trang hoàng phố xá đến hàng quán buôn bán dịp tết luôn có phần nhộn nhịp thậm chí là tưng bừng hơn Việt Nam. Nhưng trong trái tim tôi cho đến ngày hôm nay không tết nơi đâu đúng nghĩa bằng cái làng quê bé nhỏ. Nơi căn nhà nhỏ trước cửa có cây mai nở vàng ngày tết của tôi, nơi có những người thân yêu máu thịt của mình.
Ngày nay về Việt Nam dịp tết không là vấn đề qúa khó khăn với tôi, nhưng tôi lại không về. Dù khi viết những dòng chữ này tôi chỉ ở cách Việt Nam vài giờ bay. Hơn 5 năm tôi thường lấy lý do bận rộn công việc hoặc khó mua được vé máy bay do cận ngày. Những người bạn thân hiểu rõ tính chất công việc tự chủ về thời gian của tôi thì nói tôi ham vui như cá ra biển lớn thì không nhớ nữa ao hồ.
Chỉ có chính tôi mới hiểu cái lý do đó là tôi sợ, tôi sợ cái khung cảnh đầm ầm quây quần ngày tết khiến tôi hàng tháng trời sau đó vẩn còn tiếc nuối. Thậm chí không có tinh thần làm việc. Tôi sợ cái cảnh đầu xuân lại lủi thủi kéo cái vali để trở lại cuộc sống hiện tại. Tôi sợ cái thở dài của bà khi nói ''Không biết năm sau có được như vầy không''. Tôi sợ cả những giọt nước mắt của mẹ khi đưa tiễn và tôi sợ mình so sánh tết ngày hôm nay với ngày xưa. Thà cứ sống với cái ký ức ngọt ngào ngày cũ.
Chiều nay tôi nấu món khổ qua ngày tết để ăn tết sớm trước khi đi đến một quốc gia khác vì công việc vào sáng ngày mai. Khác với thuở xưa tôi ăn hết trái khổ qua do bây giờ tôi đã quen với cái đắng, hay do tôi tin rằng ăn cho khổ qua đi hoặc không chừng do tôi biết rằng hiện giờ tôi chỉ có một mình, không có dì ở bên cạnh để ăn giúp cái đắng cho mình. Không biết do tôi vụng về nấu nướng hay do bởi những giọt nước mắt hoà vào khi ăn mà tôi thấy tô canh ấy ngoài vị đắng còn có vị mặn và không hề có chút vị gì của ngày tết như thuở nào.
Xin lỗi mẹ..... tết này con lại không về.
Song Nhi
Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không dấu