Không khí lạnh tăng cường, trời rét ngọt, từng đợt gió mùa Đông Bắc mang theo ngàn vạn những hạt mưa như vạn ngàn những mũi tên tới tấp quất vào mặt. Con đã để mặc cho gió mưa xoa dịu một trái tim chồng chất nỗi buồn và một tâm hồn đang bỏng rát vì cô đơn.
Chiều nay và bao buổi chiều khác nữa sau khi hết giờ làm, con đã định không về nhà ngay mà lang thang đâu đó, nhưng nghĩ đến các con con, nghĩ đến bố con lại không đủ can đảm để sống cho riêng mình dù đó là sống với những nỗi đau. Và con lại bắt gặp một hình dáng thân quen, bố bưng nồi canh vừa nấu chín lên nhà, cơn gió rét lùa vào thổi bung mái tóc đã nhuộm màu thời gian. Lòng con lại trào lên một niềm kính yêu vô hạn.
Tình cảm đó của con với bố không phải chỉ xuất phát từ một lời răn dạy: yêu chồng thì phải kính yêu bậc sinh thành ra anh ấy, mà nó đến một cách tự nhiên. Để ngày hôm nay khi gặp những điều buồn phiền trong cuộc sống con nhận ra rằng, bố là điểm tựa tinh thần cho con mạnh mẽ hơn.
Con nghe mẹ kể về chặng đời mà bố đã trải qua, thật quá nhọc nhằn. Vậy mà bố đã vượt lên bất hạnh để lớn lên khỏe mạnh cả về tinh thần và thể chất. Con vừa xót thương vừa khâm phục bố. Con tự nhủ sẽ luôn cố gắng để cuộc sống của bố được thoải mái hơn. Từ đấy, con đã chắt chiu và vun đắp để gia đình mình có cuộc sống như ngày hôm nay. Nhưng bố biết không, con đã phạm phải một sai lầm trên hành trình ấy. Khi chồng con có việc cần, lẽ ra con phải có mặt kịp thời và đúng lúc, nhưng con đã không làm được như thế, để rồi vô tình con đã tạo ra một khoảng cách với người mà con và bố đều yêu thương.
Từ khi về làm con dâu, bố sống chung một mái nhà có ba thế hệ, bố đã cho con hiểu được rằng để giữ được gia đình thực sự bình yên cần lắm sự chia sẻ bao dung. Và bài học đó bố đã dạy con không phải từ những giáo lý khô khan mà bằng chính những việc làm của bố. Để yêu thương chia sẻ, bố chẳng nề hà việc gì từ lớn đến nhỏ, kể cả những công việc mà xưa nay người đời vẫn cho là tầm thường nhỏ nhặt không phải của đàn ông. Nhưng bố biết không, nhìn bố làm những công việc đó con thấy bố vĩ đại biết nhường nào.
Bố đã ngoài 70, cả cuộc đời sống trong vất vả nhọc nhằn, con muốn bố được nghỉ ngơi. Bố đã bảo con rằng: "Bố chẳng để lại cho các con được cái gì có giá trị, già còn là gánh nặng. Thôi thì còn giúp gì được cho con cháu, bố sẽ làm hết sức". Bố ơi, giờ đây khi trải qua nhiều nỗi đau buồn, nếu ai đó hỏi con chọn cuộc sống nào con sẽ trả lời ngay mà không cần đắn đo: con ước được như ngày trước, một căn nhà nhỏ bé nhưng tràn ngập tình yêu thương trọn vẹn. Vậy thì bố ạ, bố có biết được rằng bố đã để lại cho chúng con một tài sản quý giá hơn mọi của cải vật chất trên đời đó là "tình yêu thương và đức hy sinh".
Ngày con trai con bị sốt cao và co giật, chỉ có mình ông và cháu ở nhà. Con đã tự trách mình chưa là người mẹ tốt. Nhưng con còn cảm thấy xót xa và thương bố đến vô cùng khi nghe hàng xóm nhà ta kể lại: bố vừa khóc vừa chạy vừa nói không ra hơi kêu người cứu cháu. Nước mắt của một người đàn ông - một người già, hiếm hoi và đáng quý. Con đã dặn lòng sẽ cố gắng để bố không phải trải qua những cú sốc tinh thần nào nữa.
Nên khi bố hỏi con "Có chuyện gì mà bố thấy dạo này con buồn thế, ăn uống thất thường. Có phải chồng con có chuyện gì, cứ nói vớ bố, bố còn đủ sức để dạy bảo nó". Con đã phải hết sức dằn lòng để bình thản trả lời bố: "Không có chuyện gì đâu, bố đừng lo lắng". Và rồi sau đó con đã phải chạy vội vào phòng, đóng chặt cửa, nước mắt tuôn rơi mà không làm sao ngăn lại được. Vì con cảm động quá, con thấy mình như là con gái bố, được bố vỗ về, chăm sóc, chở che. Vì con thấy thương mình quá, bởi chẳng ai có thể giúp được con lúc này ngoài chồng con, nhưng con biết với anh ấy đó là điều không thể?
Khi con viết những dòng này thì Tết đã đến rất gần, mùa xuân sắp đến rồi, một năm nữa lại đi qua, bố thêm một tuổi, con vừa mừng lại vừa lo. Cầu mong sao bố luôn mạnh khỏe, để chúng con mãi được dựa vào tình yêu thương, lòng bao dung và đức hy sinh của bố!
Con của bố!
Cá 1979
Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không dấu