Giữa họ, có nhiều điểm khác nhau. Ngoài sự khác nhau về tuổi tác, họ còn khác nhau nhiều thứ lắm. Ví dụ như người già kia luôn mất đến vài phút để lóng ngóng ký tên vào tờ biên lai nộp tiền học ở trường thằng cháu. Còn người tương đối trẻ kia thì có thể đánh máy mười ngón đạt vận tốc vài chục từ một phút và đọc tiếng Anh rào rào, mỗi ngày không ít hơn 9 tiếng ngồi trước máy vi tính có kết nối Internet.
Người già kia xuất thân từ một vùng quê nghèo, trong một ngôi nhà nghèo nàn và chẳng có gì ngoài vài cái giường, bàn ghế cũ kỹ cùng với người mẹ già hầu như cả ngày chỉ quanh quẩn bên chiếc giường. Còn người tương đối trẻ kia có hầu như tất cả mọi thứ mà thời sinh viên người ấy từng ước ao: Một ngôi nhà nhỏ, một công việc tốt, một người chồng yêu thương vợ con và chăm chỉ làm ăn với vài khoản đầu tư nho nhỏ để tính cho tương lai sau này.
Ngày nảy ngày nay, có hai người phụ nữ cùng chăm lo cho một gia đình. Người già là bà giúp việc, đã ở được gần 6 năm rồi. Người trẻ là chủ nhà, tất nhiên là thế. Thi thoảng đi đâu đó, có người sẽ hỏi là: “Bà ngoại đấy hả”, và người trẻ sẽ vui vẻ trả lời: “Vâng, bà ngoại đấy!”. Còn người biết rõ thì sẽ rỉ rả: “Này, bà giúp việc này tốt thật đấy, cố mà giữ nhé”.
Giữa họ, có nhiều điểm chung. Bà giúp việc cần một công việc để có tiền lương để chăm sóc cho mẹ già và mỗi năm lo làm giỗ cho người cha đã mất, và rồi sau đó là tiết kiệm một khoản cho tuổi già của mình sau này. Bà cũng cần một mái nhà, để sống, để chia sẻ, chứ không đơn thuần là nơi làm việc. Còn người chủ nhà thì cần người chia sẻ bớt việc nhà, và cùng chăm lo cho cậu con trai đã lớn lắm rồi nhưng vẫn không biết tự ăn, tự mặc, tự bảo vệ bản thân; và cũng là để có thời gian để người mẹ kiêm luôn vai trò gia sư cho thằng bé vốn phải học can thiệp từ năm hai tuổi, mỗi ngày 2-3 ca can thiệp (căng như ôn thi đại học), và giờ đây nó chỉ “tín nhiệm” mẹ nó dạy thôi.
Chẳng hiểu như có một duyên nợ từ kiếp nào, bà giúp việc rất quý thằng bé. Nó là một thằng bé xinh xắn, tươi tắn. Nó rất ngọt ngào. Từ ngày bà đến ở với gia đình đến giờ, nó đã cao lên hơn hai lần, số cân cũng gấp lên đến hai lần rưỡi, nhưng bà vẫn cõng, vẫn ôm ấp nó như thể nó là một thằng bé tí ti. Mà nó cũng bé thật. Nó tự kỷ. Trong cái thân hình đã to lớn hơn rất nhiều so với cái thời nó hai tuổi khi bà mới đến ấy, bà vẫn thấy bên trong nó vẫn là một thằng cu con bé xíu, ngây thơ, hồn nhiên, và chẳng quan tâm nhiều đến những sự phức tạp của cuộc đời.
Mẹ nó là người cứng cỏi và cẩn thận lo liệu mọi việc. Nhưng cũng có lúc mẹ nó mệt mỏi, và hoài nghi về tương lai của nó. Những lúc đó, bà giúp việc thường ôm nó vào lòng rồi nựng nịu: rồi nó sẽ tiến bộ, rồi sẽ nói được, sẽ học được. Những lúc ấy, tất nhiên là mẹ nó chẳng thể tin vào những lời động viên ấy, nhưng dường như cái vẻ hồn hậu của bà giúp việc lại giúp mẹ nó tạm quên đi những vấn đề dài hạn để tập trung cho những gì gấp gáp bây giờ.
Năm nào cũng thế, người bố của gia đình đó luôn tặng một bó hoa to cho tất cả những người phụ nữ trong nhà, gồm bà giúp việc, mẹ nó và con gái. Còn năm nay, mẹ nó đã quyết định dành tặng một món quà đặc biệt nhân ngày 8/3 cho riêng bà giúp việc: một chuyến về quê thăm mẹ!
Có lẽ bà ấy cũng rất nóng lòng về người mẹ già, chẳng biết người mẹ ấy sẽ sống thêm được bao lâu nữa. Nghe bà giúp việc kể lại là ngày xưa, bà là đứa con khó nuôi nhất trong mấy chị em, ốm hết bận này đến bận khác, hai chân dài nghều ngào rồi mà mẹ vẫn phải cõng trên lưng. Vậy nên giờ đây, bà giúp việc rất yêu quý mẹ mình. Bà cụ đã trên 80 tuổi rồi, và thi thoảng cũng đã hơi hơi lẫn lẫn…
Hôm nay, người tương đối trẻ về nhà, và tự làm hết mọi việc, nấu cơm, giặt giũ, dọn nhà… Người tương đối trẻ ấy là tôi. Vừa làm, tôi vừa băn khoăn tự hỏi, không biết giờ này bà giúp việc đang làm gì, chắc là đã ăn xong rồi, ở quê, thường ăn sớm mà. Có lẽ mẹ của bà ấy vui lắm. Tôi cũng sống xa mẹ, nên hiểu được niềm vui của một người con về thăm mẹ và của người mẹ khi gặp lại đứa con xa nhà. Và tôi cũng vui vì trong khả năng của mình, tôi đã giúp bà ấy có một vài ngày vui vẻ bên người mẹ già yếu ấy. Đó có lẽ là món quà 8/3 ý nghĩa nhất tôi có thể tặng cho hai mẹ con của bà.
Ngày nảy ngày nay, ở một góc phố nhỏ của Hà Nội, có một người đang cặm cụi viết về bà giúp việc của mình với một lòng biết ơn chân thành nhất. Tôi vẫn gọi bà ấy là bà giúp việc đúng với công việc bà ấy làm, nhưng trong lòng tôi, bà là một phần không thể thiếu của gia đình. Còn ở một vùng quê nghèo xa xôi, bà giúp việc và người mẹ già của bà chắc đang rất vui vầy. Hạnh phúc luôn là cho đi và nhận lại. Và chỉ vài ngày nữa thôi, bà giúp việc của tôi sẽ chia tay mẹ già để về Hà Nội, để lại cùng tôi chăm chút ngôi nhà này. Chúc hai mẹ con bà có một ngày 8/3 muộn thật là hạnh phúc!
Hà DươngCLB Gia đình Trẻ Tự kỷ Hà Nội
Cùng tác giả:
Nỗi oan Thị Kính… Đứa con tự kỷ của mẹMất 5 năm mới hiểu được conSống chậm nhé, con traiTìm đâu mái trường cho trẻ tự kỷ?Những điều ước cho đứa con đặc biệtCuộc chiến với bệnh tự kỷ của con
Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không